Đến 2030, Tuyên Quang là tỉnh hình mẫu phát triển lâm nghiệp của cả nước
Trong nước - Ngày đăng : 16:55, 14/08/2020
Một góc thành phố Tuyên Quang |
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang.
Thông báo kết luận nêu rõ, Tuyên Quang là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về tỷ lệ che phủ rừng, có diện tích rừng trồng và sản lượng khai thác gỗ hằng năm lớn trong vùng trung du và miền núi phía Bắc. Tuy là tỉnh còn nhiều khó khăn, chịu ảnh hưởng nhiều của thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội quốc tế và trong nước.
Phó Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, Tuyên Quang tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, phù hợp trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp nhưng không làm kìm hãm, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế. Phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra trong năm 2020 và tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2015 – 2020; đặt mục tiêu đến năm 2030 Tuyên Quang là tỉnh hình mẫu về phát triển lâm nghiệp của cả nước, điển hình về giảm nghèo bền vững, tiến tới giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA của từng dự án, tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà thầu đảm bảo tiến độ các dự án, nhất là trong khâu giải phóng mặt bằng và chuẩn bị đầu tư. Kiên quyết thực hiện điều chuyển vốn đầu tư công từ các đơn vị, dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang các đơn vị, dự án có khả năng giải ngân cao. Phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020.
Đồng thời, khẩn trương xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 và tổ chức lập Quy hoạch tỉnh theo nhiệm vụ đã được phê duyệt. Căn cứ vào các lợi thế, tiềm năng của địa phương để xây dựng cơ chế chính sách, phương án phát triển kinh tế - xã hội, phương hướng phát triển các ngành quan trọng theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, trong đó chú trọng nghiên cứu phát triển một số lĩnh vực: Lâm nghiệp, nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, hình thành các vùng nguyên liệu có năng suất lớn, chất lượng cao; công nghiệp chế biến, năng lượng, sản xuất vật liệu xây dựng; du lịch sinh thái, du lịch văn hóa – lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành; hoàn thiện thể chế, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; thường xuyên đối thoại, tiếp xúc để nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, tạo sức bật cho phát triển kinh tế - xã hội.
Tiếp tục có các giải pháp mạnh mẽ, sáng tạo hơn nữa để thu hút đầu tư nước ngoài, huy động vốn đầu tư xã hội vào các ngành có thế mạnh của Tỉnh, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trên phạm vi cả nước, hướng tới phạm vi toàn cầu, tận dụng tối đa các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do mới ký kết (EVFTA, CPTPP).