Điện Biên Đông: Nỗ lực tăng tỷ lệ che phủ rừng
Môi trường - Ngày đăng : 07:58, 14/08/2020
Người dân xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông chăm sóc rừng trồng. |
Điện Biên Đông là huyện có tỷ lệ che phủ rừng thấp nhất tỉnh Điện Biên với 26,1%. Toàn huyện có hơn 30.800ha rừng nằm trong quy hoạch và hơn 620ha ngoài quy hoạch 3 loại rừng, tập trung chủ yếu tại các xã: Tìa Dình, Háng Lìa, Xa Dung, Pú Nhi, Phình Giàng, Pú Hồng, Keo Lôm và Na Son.
Để gia tăng độ che phủ rừng, huyện xác định trước hết phải bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, tăng diện tích rừng phục hồi với việc chú trọng khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên. Hàng năm, huyện giao chỉ tiêu khoanh nuôi, bảo vệ và phát triển rừng cho các xã, coi đây là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua khen thưởng đối với các xã. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, vận động nhân dân tích cực tham gia trồng và chăm sóc rừng.
Xã Phình Giàng là một trong những xã có diện tích rừng lớn nhất của huyện với 2.700ha rừng, gồm 1.100ha rừng phòng hộ còn lại là rừng khoanh nuôi tái sinh. Đa số diện tích rừng của xã nằm đan xen với diện tích canh tác nương của người dân. Thời gian qua cấp ủy, chính quyền xã đã phối hợp với kiểm lâm phụ trách địa bàn tổ chức các buổi họp dân, tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ rừng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho bà con. Đồng thời tổ chức ký cam kết với các hộ, nhóm hộ về công tác quản lý, bảo vệ và phòng chống cháy rừng; đưa các nội dung quy định quản lý, bảo vệ rừng vào quy ước, hương ước của thôn, bản.
Năm 2020, xã Phình Giàng được giao chỉ tiêu khoanh nuôi tái sinh hơn 90ha rừng. Ngay sau khi có kế hoạch, UBND xã rà soát cụ thể các diện tích đất trống, nương bạc màu bỏ hoang không có cây gỗ tái sinh là đất rừng đã quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp; hướng dẫn người dân đăng ký khoanh nuôi tái sinh phù hợp với quy hoạch 3 loại rừng. Với sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, diện tích rừng phòng hộ, rừng khoanh nuôi tái sinh của xã Phình Giàng luôn được bảo vệ và phát triển tốt; tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng làm nương đã giảm rõ rệt.
Công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện Điện Biên Đông đã có những chuyển biến rõ nét, ý thức bảo vệ rừng của người dân được nâng cao. |
Theo thống kê năm 2020, huyện Điện Biên Đông được giao khoán khoanh nuôi tái sinh gần 1.900ha rừng; trong đó khoanh nuôi tái sinh năm thứ nhất 1.204ha, còn lại là diện tích khoanh nuôi năm thứ hai và thứ ba. UBND huyện đã thành lập tổ công tác triển khai thực hiện việc trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ rừng và trồng rừng thay thế trên địa bàn huyện, hướng dẫn các xã, thị trấn triển khai kế hoạch. Đồng thời, huyện tích cực triển khai chính sách hỗ trợ khoanh nuôi tái sinh rừng và bảo vệ rừng đã thu hút được đông đảo người dân tham gia.
Ông Nguyễn Trung Trường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Điện Biên Đông cho biết: Để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn, Hạt Kiểm lâm huyện đã tăng cường kiểm lâm địa bàn bám sát cơ sở, chủ động tham mưu cho chính quyền các xã, thị trấn thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; xây dựng các kế hoạch và triển khai công tác phòng cháy chữa cháy rừng, kiểm tra, kiểm soát lâm sản. Hạt Kiểm lâm huyện đã tham mưu kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng từ huyện đến cơ sở; xây dựng các tổ, đội quần chúng bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng tại chỗ. Kết quả đến nay đã củng cố và thành lập mới được 198 tổ, đội với 2.376 người tham gia.
Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp với chủ rừng, chính quyền cấp xã tuyên truyền, vận động người dân không tham gia hoặc tiếp tay cho các đối tượng phá rừng; tăng cường tuần tra, truy quét các tụ điểm khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép, nhất là địa bàn giáp ranh giữa các xã và huyện khác. Do làm tốt công tác tuyên truyền, nên công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện thời gian qua đã có những chuyển biến rõ nét, ý thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở, chủ rừng và người dân được nâng lên rõ rệt; các vụ vi phạm pháp luật về quản lý và bảo vệ rừng giảm so với nhiều năm trước.