Thanh Hóa cải thiện môi trường kinh doanh thu hút các nhà đầu tư
Kinh tế - Ngày đăng : 21:17, 13/08/2020
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cắt giảm điều kiện kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan thực hiện một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo đó, tiếp tục rà soát, cải cách thủ tục hành chính trên các lĩnh vực theo hướng công khai minh bạch, đơn giản, thuận tiện và rút ngắn thời gian giải quyết công việc cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.
Đối với các dự án đã được trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và ký kết thỏa thuận ghi nhớ đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2020, yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các KCN, UBND các huyện, thị xã, thành phố rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường so với các quy định hiện hành. Cụ thể: rút ngắn 50% thời gian đối với các thủ tục hành chính đang thực hiện với thời gian giải quyết từ 10 ngày trở lên, 30% đối với các thủ tục hành chính đang được thực hiện với thời gian giải quyết dưới 10 ngày.
Thanh Hóa đang là điểm đến cảu nhiều nhà đầu tư lớn. |
Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước, tạo bước đột phá về xử lý văn bản, hồ sơ công việc, giải quyết thủ tục hành chính, nhằm giảm chi phí, thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần quan trọng đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư.
Giao Sở Thông tin và Truyền thông tích hợp, chia sẽ dữ liệu giữa phần mềm một cửa điện tử cấp tỉnh với Hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương; tăng cường kiểm tra việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử đối với các sở, ngành, địa phương.
Tổ chức thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật và kế hoạch đã được phê duyệt; bảo đảm việc thanh tra, kiểm tra không chồng chéo, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Việc thực hiện thanh tra, kiểm tra đột xuất chỉ được tiến hành khi doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Giao Thanh tra tỉnh hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành, đơn vị và UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm và triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.
Giữ mối liên hệ chặt chẽ với các nhà đầu tư, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý; nắm chắc tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh gắn với triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong hình hình mới theo đúng chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh.
Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2016 - 2018, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 592 dự án đầu tư kinh doanh, trong đó có 567 dự án đầu tư trong nước và 25 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký 72.923 tỷ đồng và 3.194 triệu USD. Một số dự án có quy mô lớn, như: Quần thể Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp Bến En tại Như Thanh (4.960 tỷ đồng), dây chuyền 2 Nhà máy Xi măng Long Sơn (3.822 tỷ đồng), Cảng container Long Sơn (3.600 tỷ đồng), Dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu Công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng (3.255 tỷ đồng), khu bến container 2 và hậu cần cảng Nghi Sơn (2.500 tỷ đồng), Khu đô thị mới phường Điện Biên, TP Thanh Hóa (1.729 tỷ đồng)...
Lọc hóa dầu Nghi Sơn chính là bước đột phá trong phát triển kinh tế cũng như kêu gọi đầu tư của Thanh Hóa |
Tiếp tục rà soát, xây dựng các quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu dọc các tuyến đường giao thông lớn, làm cơ sở thu hút đầu tư. Tăng cường cung cấp thông tin về các hiệp định kinh tế - thương mại, thông tin thị trường, khoa học công nghệ... cho DN tiếp cận, mở rộng thị trường xuất khẩu; đồng thời, xây dựng hệ thống các cơ sở dữ liệu về thông tin kinh tế - xã hội của tỉnh để cung cấp cho các DN, nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa cũng đang nghiên cứu rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới một số cơ chế, chính sách, nhất là các cơ chế, chính sách về sử dụng đất đai, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu.