Bạc Liêu chủ động xây dựng kịch bản vượt qua hạn, mặn

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 15:46, 12/08/2020

(TN&MT) - Nằm ở cuối nguồn nước ngọt, lại giáp biển, Bạc Liêu luôn chịu tác động trực tiếp và có nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn cao hơn so với các địa phương khác trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Mặc dù vậy, trong mùa khô 2019-2020, Bạc Liêu lại là tỉnh ít bị thiệt hại nhất.

Kịch bản “phản ứng nhanh” ứng phó xâm nhập mặn

Mùa khô năm 2019 – 2020, hạn hán, xâm nhập mặn xuất hiện sớm ở Bạc Liêu, từ tháng 11/2019 đã bắt đầu xảy ra với tổng lượng mưa trong tháng ở mức thấp và chỉ bằng 50% so với cùng kỳ. Từ tháng 12/2019 - 3/2020, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu hầu như không có cơn mưa trái mùa nào.

Bạc Liêu có nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn cao. Ảnh minh họa

Trong khi độ mặn càng tăng cao khi phải điều tiết nước mặn từ biển Đông vào tiểu vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc Quốc lộ (QL)1A phục vụ cho nuôi trồng thủy sản từ giữa tháng 1/2020 thì trong những tháng mùa khô vừa qua, khu vực này còn chịu ảnh hưởng rất mạnh của các đợt triều cường biển Tây đưa vào qua sông Cái Lớn (tỉnh Kiên Giang).

Thiếu ngọt, thừa mặn đã làm cho tình trạng xâm nhập mặn càng diễn ra gay gắt hơn, nhất là vào cuối tháng 2/2020, ranh mặn 4‰ từ phía sông Cái Lớn đã đi vào khu vực Bắc huyện Hồng Dân sớm hơn một tháng so với các năm trước. Vì vậy, độ mặn ở nhiều nơi đạt đến 20‰, vượt khả năng sinh tồn của con tôm và cây lúa. Thậm chí, tình trạng mặn vượt ngưỡng này còn kéo dài đến tháng 5/2020.

Mùa khô năm 2019-2020, diện tích sản xuất lúa trên đất tôm cho sản lượng 221.572 tấn, đạt 117,86% kế hoạch và tăng 21,79% so với cùng kỳ. Ở vụ lúa đông xuân 2019 - 2020, chỉ có khoảng 252ha ở TX. Giá Rai bị thiệt hại do nằm ở cuối nguồn nước ngọt và nông dân không tuân thủ các khuyến cáo; còn các địa phương khác coi như cơ bản sản xuất mang lại hiệu quả cao.

Trước tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020 phức tạp, ngành Nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đã chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó theo hướng phản ứng nhanh, linh hoạt và khẩn trương. Nhờ đó, Bạc Liêu gần như kiểm soát được tình hình hạn hán, xâm nhập mặn và mức độ thiệt hại.

Trong đó, Bạc Liêu tập trung công tác điều tiết nước ở tiểu vùng giữ nước ngọt, bổ sung nguồn nước ngọt trên kênh rạch. Hiện nay, mực nước trên kênh rạch dâng cao hơn đầu tháng 2/2020 khoảng 1 mét. Tính đến đầu tháng 5/2020, mực nước trên kênh rạch thuộc tiểu vùng giữ ngọt dao động từ +0,20 mét (trục kênh Cầu Sập - giáp ranh Sóc Trăng) đến +0,00 mét (trục kênh Vĩnh Phong - nơi cuối nguồn ngọt của TX. Giá Rai). Nguồn nước ngọt này đã đáp ứng đầy đủ cho sản xuất vụ đông xuân vừa qua và mang về năng suất từ 7,5 - 8 tấn/ha với tổng diện tích thu hoạch hơn 47.540ha.

Cần giải pháp căn cơ, lâu dài

Mặc dù vậy, ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu cho biết, việc điều tiết nước phục vụ sản xuất vùng Bắc QL1A rất phức tạp và khó khăn, vì cùng lúc phải đảm bảo đủ nước ngọt phục vụ sản xuất lúa đông xuân, đồng thời đảm bảo đủ nước mặn phục vụ nuôi trồng thủy sản.

Trong khi đó, cơ sở hạ tầng thủy lợi của tỉnh Bạc Liêu còn nhiều hạn chế. Hệ thống các cống ngăn mặn (cửa van composite) xây dựng trước đây đã xuống cấp, có nguy cơ vỡ cửa van bất cứ lúc nào; hệ thống kè Gành Hào, kè Nhà Mát, đê biển Đông hiện đang được thi công nâng cấp, khó chống được gió bão cấp 9. Hệ thống thủy lợi - thủy nông nội đồng bị bồi lắng nhanh, thiếu kinh phí để duy tu, nạo vét theo định kỳ, nhất là ở vùng Nam QL 1A...

Chưa kể, hiện tượng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sụt lún đất đang diễn ra cộng với các tác động bất lợi xuyên biên giới của dòng sông Mê Kông sẽ làm cho tình hình nguồn nước, khí tượng thủy văn các năm tiếp theo ở khu vực ĐBSCL diễn biến ngày càng phức tạp.

Do vậy, ngành Nông nghiệp tỉnh bạc Liêu cần có các bước chuẩn bị tốt hơn nữa để sẵn sàng ứng phó với các diễn biến bất thường của thời tiết và nguồn nước, đặc biệt là có các giải pháp căn cơ, lâu dài. Đồng thời, xây dựng các kịch bản ứng phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn theo tinh thần chủ động và linh hoạt, nhằm bảo vệ tốt phát triển sản xuất và đảm bảo dân sinh trên địa bàn.

Ngoài ra, từ thực tế ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 cho thấy, việc nâng cao ý thức và trách nhiệm của cộng đồng trong ứng phó với hạn, mặn vô cùng cần thiết. Đồng thời, tăng cường phối - kết hợp tốt giữa các địa phương nằm giáp ranh để tạo đồng thuận trong việc vận hành hệ thống thủy lợi, nhằm đảm bảo lợi ích chung của người nông dân giữa các tỉnh với nhau.

Việc lập Tổ công tác đo đạc diễn biến nguồn nước liên tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng trong suốt mùa khô 2019-2020 đã giúp đưa ra các quyết định điều tiết nước linh hoạt, hợp lý đáp ứng yêu cầu sản xuất của hai địa phương. Các số liệu về diễn biến triều, mặn, lịch điều tiết nước được trao đổi liên tục giữa 2 tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng (nhất là với thị xã Ngã Năm). Sự phối hợp tốt với tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu đã mở được 3 cống gồm: Cống Đá, Nàng Rền và Năm Kiệu của Sóc Trăng để cấp nước ngọt về địa bàn Bạc Liêu đảm bảo phục vụ cho sản xuất...

K.Liên