HoREA đề xuất nhiều giải pháp để khởi động dự án BT

Bất động sản - Ngày đăng : 16:39, 11/08/2020

(TN&MT) - Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa đề xuất một số cơ chế chính sách để khởi động lại các dự án theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT), vừa đảm bảo lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư, vừa không làm thất thoát quỹ đất công.

Ảnh minh họa

HoREA cho biết, đã nhận được Văn bản số 6435/VP-DA ngày 3/8/2020 của Văn phòng UBND TP.HCM “Về góp ý phương thức đầu tư theo hợp đồng BT”. Qua đó, HoREA cũng đã có văn bản đề xuất một số cơ chế chính sách để khởi động lại các dự án theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT), vừa đảm bảo lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư, vừa không làm thất thoát quỹ đất công, trụ sở làm việc.

Theo đó, HoREA tán thành quy định tại khoản 5 và khoản 6 Điều 101 Luật Đầu tư 2020, quyết định dừng thực hiện dự án BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư, kể từ ngày 15/8/2020 và dừng triển khai dự án BT mới, kể từ ngày Luật Đầu tư có hiệu lực (01/01/2021) là rất cần thiết, nhưng chỉ nên dừng trong giai đoạn 2020-2022. Trước hết là cần tập trung rà soát, xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm bịt kín các lỗ hổng, để đảm bảo đủ điều kiện khởi động lại các dự án BT.

HoREA nhận thấy, Điều 44 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, quy định "sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao", mà tài sản công bao gồm tiền thuộc ngân sách Nhà nước, nhưng Điều 44 lại không quy định việc sử dụng tiền thuộc ngân sách Nhà nước để thanh toán dự án BT.

Nghị định số 63/2018/NĐ-CP cũng chỉ quy định nhà đầu tư dự án BT được thanh toán bằng quỹ đất, trụ sở làm việc, tài sản kết cấu hạ tầng hoặc quyền kinh doanh, khai thác công trình, dịch vụ để thực hiện dự án khác, cũng không quy định việc sử dụng tiền thuộc ngân sách Nhà nước để thanh toán dự án BT.

Do vậy, hiện nay, theo HoREA, không có quy định pháp luật nào hướng dẫn cụ thể việc sử dụng tiền thuộc ngân sách thanh toán hợp đồng BT, nên trên thực tế không thực hiện được phương thức thanh toán dự án BT bằng tiền thuộc ngân sách Nhà nước.

"Công trình BT thực chất cũng là một loại hàng hóa, sản phẩm dịch vụ công ích có giá trị lớn (có thể có giá lên đến hàng ngàn tỷ đồng), hoàn toàn có thể được "Nhà nước đặt hàng" và thanh toán bằng tiền thuộc ngân sách, theo phương thức mua sắm tài sản công", HoREA cho hay.

HoREA đề xuất không sử dụng quỹ đất đã giải phóng mặt bằng, trụ sở làm việc để thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT, vì tiềm ẩn nguy cơ làm thất thoát ngân sách Nhà nước, do khó đảm bảo nguyên tắc ngang giá. Chỉ có thể đảm bảo nguyên tắc giá đất phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường, khi thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất đối với quỹ đất công đã giải phóng mặt bằng, trụ sở làm việc.

Do đó, nên sử dụng quỹ đất chưa giải phóng mặt bằng để thanh toán dự án BT, với điều kiện nhà đầu tư thực hiện ứng trước kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và số tiền này được tính vào giá trị của hợp đồng BT, không tính chi phí lãi vay huy động vốn vào dự án BT đối với khoản kinh phí này.

Đối với việc đấu giá quỹ đất công, theo HoREA, chỉ có thực hiện phương thức đấu giá quyền sử dụng đất thì mới đảm bảo nguyên tắc giá đất phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường, vừa tạo được nguồn thu tối đa cho ngân sách Nhà nước, vừa ngăn chặn được tình trạng thất thoát tài sản công là quỹ đất, trụ sở làm việc. Tuy nhiên, với điều kiện phải đảm bảo đấu giá công khai, trung thực và loại trừ được tình trạng "đấu giá cuội, quân xanh quân đỏ".

Theo đó, HoREA đề xuất thực hiện phổ biến phương thức đấu giá quỹ đất công đã giải phóng mặt bằng, trụ sở làm việc, tạo nguồn vốn ngân sách dồi dào để phát triển kết cấu hạ tầng và sử dụng tiền thuộc ngân sách để thanh toán các dự án BT.

Thục Vy