Cấp sổ đỏ cho đất khai hoang: Cần xem xét cả quá trình sử dụng đất
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 17:18, 10/08/2020
Tuy nhiên, trong thực tế đã phát sinh nhiều trường hợp, đất có nguồn gốc do cá nhân khai phá nhưng sau đó xuất cảnh định cư ở nước ngoài và người khác đã quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài. Trong quá trình sử dụng đất, người này đã tôn tạo đất, xây dựng nhà ổn định, đăng ký kê khai và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đây là nội dung chính của Án Lệ sô 32/2020/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 05 tháng 02 năm 2020.
Khi cấp sổ đỏ cho đất khai hoang, cơ quan chức năng cần xem xét cả quá trình sử dụng đất |
Theo đó, thửa đất số135 tại ấp X, xã N, huyện H, tỉnh Bạc Liêu có nguồn gốc do người khác khai hoang từ năm 1958, nhưng gia đình cụ C1 đã sử dụng ổn định đất này ít nhất từ năm 1975 cho đến nay. Quá trình sử dụng, cụ C1 đã đăng ký, kê khai và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1997.
Hơn nữa, người khai hoang không đăng ký, kê khai, sử dụng diện tích đất trên và không có một trong các loại giấy tờ theo Điều 100 Luật Đất đai năm 2013. Mặt khác, người khai hoang đã xuất cảnh, định cư ở Mỹ.
Tuy nhiên, các con của người khai hoang dựa trên quy định hiện hành về việc công nhận quyền sử dụng đất đối với đất khai hoang từ trước 01/7/2004 để đòi lại diện tích đất trên.
Tại Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều chấp nhận yêu cầu khởi kiện đòi lại đất theo đơn của các con người khai hoang mà không xem xét đến việc người khai hoang có quyền sử dụng hợp pháp đối với diện tích đất đang tranh chấp nêu trên hay không.
Để tránh những sai lầm pháp lý về sau, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã đưa ra nhận định và thông qua Án lệ số 32/2020/AL. Theo đó, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quyết định, khi xét xử các trường hợp đất có nguồn gốc do cá nhân khai phá nhưng sau đó xuất cảnh định cư ở nước ngoài và người khác đã quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài, tòa án cần xem xét quy định tại Điều 54, Điều 55,Điều 56, Điều 183 Luật Đất đai năm 2013 để xác định việc người khai hoang có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay không.
Xét về cả quá trình, người khai hoang không trực tiếp sản xuất trên đất, cũng không đăng ký, kê khai, sử dụng diện tích đất trên và không có một trong các loại giấy tờ theo Điều 100 Luật Đất đai năm 2013. Mặt khác, người khai hoang đã xuất cảnh, định cư ở Mỹ. Vậy người khai hoang không đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Từ tất cả các nhận định trên, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quyết định giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Bạc Liêu xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm, đúng quy định của pháp luật.