Chuyện người cắm mốc biên giới trên đất liền
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 17:16, 10/08/2020
Đường biên giới đã được ghi nhận bằng văn kiện pháp lý quốc tế, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc mà cha ông đã dày công giành được qua các cuộc kháng chiến lịch sử của dân tộc.
1.Tiếp chúng tôi trước ngày chuẩn bị lên Tây Nguyên tiếp tục khảo sát các khu vực chưa phân giới cắm mốc (PGCM) còn lại của tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, ông Dũng cho biết: Việt Nam có chung đường biên giới trên đất liền với 3 nước: Trung Quốc, Lào và Campuchia. Đến nay, nước ta đã hoàn thành công tác PGCM biên giới trên đất liền với Trung Quốc và Lào. Đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia có chiều dài khoảng 1.255 km, đi qua 10 tỉnh của Việt Nam và 9 tỉnh của Campuchia. Thực hiện Hiệp ước năm 1985, từ năm 1986 hai bên đã tiến hành công tác PGCM và dự kiến cắm 322 cột mốc trên thực địa, song đến đầu năm 1989, vì một số lý do, công tác PGCM đã tạm dừng. Từ năm 1999, đàm phán biên giới trên đất liền được nối lại và ngày 10/10/2005, hai nước đã ký Hiệp ước giữa nước CHXHCN Việt Nam và Vương quốc Campuchia bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 (gọi tắt là Hiệp ước bổ sung năm 2005), theo đó, đã điều chỉnh việc hoạch định biên giới tại một số khu vực và thỏa thuận việc triển khai công tác PGCM trên toàn tuyến.
Tổ GPS qua suối biên giới đo toạ độ, độ cao mốc biên giới mùa mưa lũ tại tỉnh Đắk lắk – Mondunkiri |
Từ năm 2006, thực hiện Hiệp ước năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005, hai bên tái khởi động công tác PGCM biên giới đất liền. Năm 2013, hai bên thống nhất cắm bổ sung các mốc phụ, cọc dấu để làm rõ hướng đi của đường biên giới trên thực địa. Kết quả đến nay, hai bên hai bên đã hoàn thành PGCM đối với khoảng 1.045 km đường biên giới, xây dựng được 315 cột mốc chính, 1.511 cột mốc phụ và 221 cọc dấu - tức là đã hoàn thành khoảng 84% khối lượng công tác PGCM trên toàn tuyến.
Kết quả PGCM nêu trên được thể hiện rất chi tiết, cụ thể trong 2 điều ước quốc tế cấp Nhà nước mà hai bên vừa ký tại Hà Nội ngày 5/10/2019 vừa qua là: “Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa nước CHXHCN Việt Nam và Vương quốc Campuchia” (gọi tắt là Hiệp ước bổ sung năm 2019); và “Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước CHXHCN Việt Nam và Vương quốc Campuchia” (gọi tắt là Nghị định thư PGCM). Đây là dấu mốc lịch sử có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền giữa hai nước sau hơn 30 năm đàm phán.
Ông Hoàng Thế Dũng (giữa) cùng nhóm công tác đi khảo sát xác định đường biên giới tại cặp tỉnh Kiên Giang – Kampot |
2. Trầm ngâm hồi lâu, ông Hoàng Thế Dũng chia sẻ: Trong 3 tuyến biên giới trên đất liền mà ông tham gia PGCM, tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia có đặc trưng riêng. Đây là đường biên giới “do thực dân Pháp để lại” theo đó hai nước đã thống nhất sử dụng nguyên tắc kế thừa đường biên giới từ thời thực dân để lại và cơ bản thống nhất sử dụng 26 mảnh bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000 do Sở Địa dư Đông Dương xuất bản trước hoặc gần năm 1954 nhất khi Hiệp định Geneva về Đông Dương ký kết. Tuy vậy, trên thực tế nhiều phức tạp và vấn đề đã nảy sinh từ khía cạnh kỹ thuật, đó là: “đường biên giới lịch sử” do Pháp để lại cần được chuyển vẽ sang bản đồ UTM tỷ lệ 1/50.000 xuất bản trong những năm 1960 để PGCM. “Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa Việt Nam - Campuchia” ký ngày 27/12/1985 cũng đã xác nhận việc chuyển vẽ nói trên để hai bên làm cơ sở tiến hành PGCM. Điều này cũng hết sức khó khăn do địa hình thay đổi, nội dung bản đồ sơ sài không có cơ sở nhận biết ngoài thực địa, tỷ lệ bản đồ nhỏ, nhiều khu vực còn bỏ trống không phù hợp với thực địa; địa hình nơi đường biên giới đi qua đa dạng (núi, rừng, sông suối, đồng bằng, vùng ngập lụt ...), nhiều nơi không có vật chuẩn hoặc rất khó xác định vật chuẩn phục vụ cho PGCM nên gặp rất nhiều khó khăn về kỹ thuật khi xác định đường biên giới trên thực địa.
Đó là chưa kể, công tác quản lý biên giới có sự đan xen phức tạp, có nơi người dân Việt Nam sinh sống và canh tác trên lãnh thổ Campuchia, có nơi dân Campuchia lại sinh sống và canh tác trên lãnh thổ Việt Nam. Thời tiết khắc nhiệt, địa hình khó khăn, hiểm trở, mùa mưa ở Tây Nguyên thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11, mùa nước nổi ở Nam Bộ từ tháng 7 đến tháng 11 nên mỗi năm chỉ có thể tác nghiệp tại thực địa từ 4 đến 5 tháng.
Khó khăn hơn nữa là lực lượng đối lập với Chính phủ Campuchia thường lợi dụng vấn đề biên giới để chống phá công tác PGCM giữa Việt Nam với Campuchia, chống phá Chính phủ Hoàng gia Campuchia và chia rẽ mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam - Campuchia.
Mặc dù vậy, ông và đồng đội vẫn quyết tâm, không một chút nản lòng, luôn kiên trì bền bỉ tìm phương án giải quyết tốt nhất để các cuộc đàm phán kỹ thuật đạt kết quả cao nhất khi xác định chính xác của vị trí mốc và hướng đi của đường biên giới trên thực địa.
Ông Hoàng Thế Dũng chia sẻ: Nghiệp phân giới cắm mốc biên giới đã tôi luyện chúng tôi, những cán bộ kỹ thuật với trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, có lòng nhiệt huyết bảo vệ lãnh thổ quốc gia, có sự hiểu biết về pháp lý và ngoại giao. Có thể nói, cán bộ kỹ thuật là người quyết định đến độ chính xác của vị trí mốc và hướng đi của đường biên giới, là người trực tiếp đàm phán với kỹ thuật nước bạn trên thực địa trong việc xử lý giải quyết vướng mắc về vị trí đường biên, mốc giới và là người giúp cho hai bên đẩy nhanh tiến độ PGCM trên thực địa.
Song phương đo đạc, xác định đường biên giới trên thực địa tại cặp tỉnh Kiên Giang – Kampot |
3. Ông Hoàng Thế Dũng vẫn còn nhớ như in, kể từ khi triển khai công tác phân giới, cắm mốc trên thực địa cũng là chừng ấy thời gian, anh em kỹ thuật trong các Đội PGCM gánh trên vai những trọng trách mới với biết bao khó khăn, vất vả. Do đặc thù công việc, lực lượng kỹ thuật của Trung tâm Biên giới và Địa giới được điều động vào thực hiện nhiệm vụ tại Đội PGCM các tỉnh biên giới, việc gia đình đành gác lại.
Ông Hoàng Thế Dũng bộc bạch: Có rất nhiều kỷ niệm trong những chuyến đi PGCM. Tuy nhiên, kỷ niệm mà đến giờ khi nghĩ lại ông Dũng vẫn cảm thấy sợ và không nghĩ rằng đã vượt qua được khi 3 biến cố nguy hiểm đến tính mạng xảy ra trong 1 ngày. Đó là ngày 25 tháng 7 năm 2017, khoảng thời gian này đang là mùa mưa tại khu vực Tây Nguyên, khi đó ông Dũng là Trưởng nhóm chuyên gia GPS Việt Nam phối hợp cùng Nhóm chuyên gia GPS Campuchia tiến hành đo tọa độ, độ cao hệ thống mốc biên giới giữa hai tỉnh Đắc Nông, Việt Nam - tỉnh Monđulkiri, Campuchia.
“Buổi sáng hôm đó chúng tôi triển khai ca 1 đo vị trí mốc phụ đôi trên suối biên giới Dak Đăm, tại vị trí này có 1 cột mốc bên bờ VN và 1 cột mốc bên bờ CPC, dòng suối biên giới này rộng hơn 3 mét và thường ngày chúng tôi vẫn lội qua. Tuy nhiên, do đêm hôm trước trời mưa nên nước suối dâng cao, tất cả chúng tôi đều cảm nhận bằng dòng chảy cũng có mạnh hơn mọi khi nhưng có thể qua suối được an toàn. Lúc đó, ông Trần Đình Phú, kỹ thuật của chúng tôi mang máy đo GPS và giá đo bơi qua suối để đặt máy đo tại mốc bờ phía CPC đã bị dòng nước cuốn cả người và máy ngay khi vừa xuống suối. Rất may, chiếc hộp máy đo GPS trở thành chiếc phao để ông Phú kịp bám vào và trôi theo dòng suối hơn 30 mét mới dạt sang bờ bên nước bạn CPC, giá đo và kính cận của ông Phú đã bị dòng suối cuốn trôi mất” - ông Hoàng Thế Dũng kể lại.
Ông Hoàng Thế Dũng cùng nhóm công tác đặc biệt Việt Nam - Campuchia xác định vị trí mốc 43 tại cặp tỉnh Đắk Lắk – Mundulkiri |
“Rút kinh nghiệm với ca đo 2 vào khoảng gần trưa của ngày hôm đó tại vị trí đo mới, nhóm chúng tôi gồm 3 người, sau khi đặt máy ở bờ VN, chúng tôi không bơi qua suối mà đi nhờ đường vành đai biên giới bên nước bạn. Đây là con đường bên bạn chỉ san ủi, thông tuyến để đi tạm, do lâu ngày không có người đi nên cây cối mọc um tùm mất dấu và rất lầy lội sau cơn mưa của tối hôm trước. Chính vì thế, xe chúng tôi vừa đi vừa phải dùng dao phát quang tìm đường. Đến được vị trí để đặt máy đo thì trời đổ cơn mưa rất to, lái xe Hoàng Xuân Duy trong lúc hỗ trợ anh em kỹ thuật phát quang vị trí đo đã không may đụng phải tổ ong độc và bị ong chích, mặt sưng vù, đau vật vã, lên cơn co giật và khó thở trên ghế phụ, không thể tiếp tục lái xe được nữa. Trước tình huống khẩn cấp, dưới trời mưa to, tầm tã, dốc cao, trơn trượt, tôi đành phải lên cầm lái. Mất khoảng hơn nửa giờ đồng hồ sau chúng tôi mới mới vượt qua được đoạn đường dốc nguy hiểm, trơn trượt, lúc này do trời mưa to, mù mịt và không quen đường nên xe chúng tôi đi lạc vào rừng cao su của bạn, trấn tĩnh và xác định lại đường đi, chúng tôi đã kịp đưa đồng chí lái xe về Việt Nam và cấp cứu tại Bệnh viện. Kết thúc ca đo vào chiều cùng ngày, xe chúng tôi quay lại để thu máy đo GPS, lúc quay trở ra, vì đường trơn, lầy lội và đã bị vết bánh xe cày xới nên xe chúng tôi không thể trở về bằng đường cũ được mà phải mò mẫm để tìm đường khác. Phải mất khoảng thời gian khá lâu, chiếc xe dã chiến của chúng tôi mới vượt qua được những đoạn đường nguy hiểm để trở về đất mẹ an toàn” - ông Hoàng Thế Dũng kể tiếp.
Ông Dũng cho hay: Băng rừng, vượt suối hay bị lạc trong rừng là chuyện thường ngày của những người làm nhiệm vụ PGCM. Thực tế, đã có những trường hợp không may xảy ra, cán bộ kỹ thuật đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ do bị lũ cuốn trôi.
Bản thân ông Hoàng Thế Dũng là người đã từng trực tiếp tham gia trên cả 3 tuyến biên giới nên anh thấu hiểu những khó khăn, vất vả của những người thực hiện nhiệm vụ PGCM, đặc biệt là cán bộ kỹ thuật của Bộ TN&M. Bên cạnh việc khắc phục những khó khăn, vất vả tại môi trường công tác đặc thù, họ còn phải luôn trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để có kỹ năng năng đàm phán tốt. Ông Dũng mong muốn Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện và có chế độ ưu đãi hơn cho cán bộ kỹ thuật làm công tác PGCM.
“Chúng tôi luôn xác định PGCM là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia mà còn có ý nghĩa lớn về mặt kinh tế, chính trị và đối ngoại. Vì vậy, trước những khó khăn, thách thức trong công việc, xác định đây là nhiệm vụ chính trị, đặc biệt quan trọng mà Đảng, Nhà nước giao phó nên tôi thường động viên anh em cán bộ kỹ thuật vững chí, quyết tâm vượt qua. Bởi khi những cột mốc biên giới được hình thành đánh dấu chủ quyền của đất nước hình chữ S, đó chính là niềm vui, niềm tự hào vô bờ bến của chúng tôi, đã góp phần gìn giữ non sông cũng như phát triển kinh tế khu vực biên giới quốc gia” - ông Hoàng Thế Dũng trải lòng.