Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: Người gìn giữ, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong quân đội

Trong nước - Ngày đăng : 21:27, 09/08/2020

(TN&MT) - Đây là một trong những dấu ấn sáng như một bài học sâu sắc của Đảng, của Quân đội mà Thượng tướng Lê Khả Phiêu đã để lại trong tâm tưởng nhiều tướng lĩnh từ lúc còn công tác tại miền Tây, trước khi ông trở thành lãnh tụ của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đại tướng Lê Văn Dũng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐNDVN bồi hồi nhớ về những dấu ấn sâu sắc của cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu

“Ông Lê Khả Phiêu là tấm gương sáng cho chúng tôi học tập”

Trước khi trở thành lãnh tụ của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Lê Khả Phiêu có quá trình xuyên suốt gắn bó với công tác đảng, công tác chính trị từ Chính ủy cấp trung đoàn, quân đoàn, quân khu đến Chủ nhiệm Mặt trận và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN). Đặc biệt, thời kỳ thập niên 80, 90, thế kỷ 20, trên cương vị Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị Quân khu IX, Phó Bí thư Khu ủy Khu IX, Chủ nhiệm Chính trị Phó Tư lệnh Chính trị Mặt trận 719, ông đã phát lộ phẩm chất của một cán bộ có bản lĩnh chính trị, tâm huyết với tổ chức, gắn bó trách nhiệm với đồng chí, đồng đội.

“Ông là người điềm đạm. Bản lĩnh. Thương yêu đồng chí, đồng đội, tạo mọi điều kiện để lớp trẻ kế thừa đi lên” - Đại tướng Lê Văn Dũng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐNDVN, là một trong số 14 vị Đại tướng của QĐNDVN, sau khi biết tin Thượng tướng Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam từ trần, bồi hồi, nhắc lại.

Ông Lê Văn Dũng và ông Lê Khả Phiêu từng hoạt động chung chiến trường Nam bộ. Khi đó, ông Dũng hoạt động ở khu vực miền Đông và một phần miền Tây, ông Phiêu hoạt động ở miền Tây, biên giới Tây Nam. Ông Dũng cũng là người kế thừa nhiệm vụ Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐNDVN sau khi ông Lê Khả Phiêu chuyển qua Bộ Chính trị. Ông Dũng cho biết ông Phiêu là một người mực thước trong thực tiễn chiến tranh chống đế quốc xâm lược và bảo vệ biên giới Tây Nam.

“Ông có một trình độ chính trị chung và chính trị trong lĩnh vực quân sự rất tốt. Tôi là lớp người đi sau học tập ở ông ấy trình độ, khả năng đó và rèn luyện theo phương thức làm theo những người đi trước, mình rút kinh nghiệm để phát triển” - Đại tướng Lê Văn Dũng nói.

Sự quan tâm, thấu hiểu đồng chí, đồng đội, động viên, tạo điều kiện của ông Lê Khả Phiêu đã giúp ông Lê Văn Dũng có điều kiện thực tiễn rèn luyện, phấn đấu trên nhiều cương vị công tác, để đúc kết kinh nghiệm, bản lĩnh, trình độ cả về chính trị và quân sự.

Ông Lê Văn Dũng bày tỏ: “Sự dìu dắt của ông Phiêu trong con đường cách mạng của tôi - nhất là thời kỳ đã trưởng thành cán bộ chiến lược của quân đội, tôi nhận thấy ông là một tấm gương tốt, tận tụy với mọi công việc, sẵn sàng hy sinh tất cả mọi thứ để lo cho công việc chung. Ông là người mẫu mực, một tấm gương rất tiêu biểu cho tôi cùng nhiều cán bộ cao cấp khác của quân đội học tập, noi theo để rèn luyện phấn đấu”.

Trung tướng Nguyễn Việt Quân, nguyên Chính ủy Quân Khu IX khẳng định cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là một cán bộ lãnh đạo cấp cao rất bản lĩnh

Dấu ấn của một người lãnh đạo bản lĩnh

“Ông Lê Khả Phiêu có tầm nhìn chiến lược, bản lĩnh chính trị, phẩm chất chính trị rất tuyệt vời” - Trung tướng Nguyễn Việt Quân, nguyên Chính ủy Quân khu IX khẳng định. 

Ông Nguyễn Việt Quân biết ông Lê Khả Phiêu từ năm 1978, khi ông được phân công về Quân khu IX. Thời điểm đó chiến tranh biên giới bắt đầu diễn ra, tình hình chính trị trong nước và thế giới rất phức tạp. Lúc bấy giờ, Đảng ủy Quân khu IX đã kiên quyết đấu tranh, trong đó có một phần ý tưởng của ông Lê Khả Phiêu. Suốt 10 năm giúp bạn Campuchia, với cương vị Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Chính trị kiêm Chủ nhiệm Chính trị Mặt trận 719, ông Phiêu đã kiên quyết giữ cơ chế Đảng lãnh đạo trong quân đội.

Trung tướng Nguyễn Việt Quân khẳng định trên cơ sở kiên quyết duy trì cơ chế Đảng lãnh đạo trong quân đội tại chiến trường ông Lê Khả Phiêu đã cùng tập thể lãnh đạo Quân khu IX kiên trì đấu tranh, khôi phục, giữ vững tổ chức đảng, tổ chức chính trị trong toàn quân khu. Thông qua đó, từng bước đấu tranh, khôi phục cơ chế Đảng lãnh đạo trong quân đội và từ đó quân đội đã không ngừng lớn mạnh như ngày nay.

“Tôi đã thấy và còn nhớ mãi. Đó là dấu ấn của một người lãnh đạo bản lĩnh, người chỉ huy phân định rõ cái đúng, cái sai, kiên định nguyên tắc bất di bất dịch. Nếu không có cán bộ chính trị vững mạnh thì làm sao quân đội ta vững mạnh như ngày nay được. Đây cũng là bài học đắt giá của Đảng ta, Quân đội ta” - Trung tướng Nguyễn Việt Quân nhấn mạnh.

Cũng theo Trung tướng Nguyễn Việt Quân, tổ chức Đảng đã sáng suốt khi chọn được một vị tướng bản lĩnh của quân đội như ông Lê Khả Phiêu làm lãnh đạo Đảng trong bối cảnh đất nước rất nhiều khó khăn, thách thức. Trên cương vị lãnh đạo Đảng, ông Lê Khả Phiêu đã tập trung xây dựng tổ chức Đảng, tổ chức chính quyền và tổ chức quần chúng, tạo thế vững chắc “kiềng ba chân” để đưa Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống. Từ đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã kịp thời củng cố về tổ chức, phát huy vai trò lãnh đạo đất nước, lãnh đạo xây dựng quân đội vững mạnh, vượt qua khó khăn, thách thức, củng cố niềm tin trong nội bộ và nhân dân.

Nhà lý luận chính trị quân sự chắc chắn

Theo Đại tướng Lê Văn Dũng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐNDVN, cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là một nhà lý luận chính trị quân sự rất chắc chắn. Ông để lại nhiều bài báo, nhiều quyển sách viết về xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Trong đó khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong quân đội, được Bộ Chính trị tin tưởng rất cao, không ngừng xây dựng quân đội vững mạnh, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, để bảo vệ Tổ quốc.

“Tôi và anh Út Lê (Thượng tướng Bùi Văn Huấn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐNDVN) thường trao đổi và chúng tôi khẳng định năng lực, trình độ, bản lĩnh chính trị của ông Lê Khả Phiêu rất cao. Những bài viết, những quyển sách ông viết là những kho tài liệu để chúng tôi học tập noi theo, để rèn luyện mình có một khả năng lý luận chính trị quân sự cao, đóng góp cho công cuộc xây dựng quân đội chính quy và từng bước hiện đại. Đặc biệt là trình độ lý luận chính trị, trình độ tư duy tư tưởng của mọi cán bộ sĩ quan chỉ huy từng cấp… Ông chính là tấm gương để chúng tôi học tập” - Đại tướng Lê Văn Dũng nói.

Hùng Long