Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: Người đặt nền móng cho công tác xây dựng Đảng thời kỳ đổi mới và hội nhập
Trong nước - Ngày đăng : 16:44, 08/08/2020
Những người Đảng viên cộng sản mất đi một gương sáng về đấu tranh phòng chống tham nhũng; các lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam mất đi một người đồng đội thân thiết gần gũi như máu thịt; Nhân dân cả nước mất đi một lãnh tụ trọn đời tận hiến cho cách mạng, vì nước, vì dân.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu |
Những luận điểm có tính “công phá”
Trong thời gian giữ chức Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu có nhiều cống hiến trí tuệ cho đất nước, nhất là thời kỳ đất nước đổi mới nền kinh tế, cơ cấu chuyển dịch kinh tế vùng miền có biến động lớn.
Trước tình tham nhũng, quan liêu trở thành quốc nạn, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã ký ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 02/02/1999 Hội nghị lần thứ 6 (lần 2) BCHTW Đảng (khoá VIII) về “Một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay” (gọi tắt là Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 khóa VIII). Nghị quyết có 10 luận điểm xoay quanh “Một số vấn đề cấp bách xây dựng Đảng hiện nay”, trong đó luận điểm thứ 5 nêu rõ: “Tập trung chỉ đạo cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu có hiệu quả”. Nội hàm của Luận điểm này có 5 điểm nêu rõ:
Thứ nhất: Các cấp uỷ đảng và người đứng đầu các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở phải chịu trách nhiệm chống tham nhũng ở nơi mình phụ trách. Bộ Chính trị phân công một số Uỷ viên Bộ Chính trị, các cấp uỷ phân công uỷ viên ban thường vụ trực tiếp chỉ đạo chống tham nhũng, lãng phí quan liêu. Khi xảy ra tham nhũng, lãng phí và các hiện tượng tiêu cực ở địa phương, ngành cơ quan, đơn vị mình phụ trách thì tuỳ theo mức độ và tính chất vi phạm của vụ việc mà xem xét hình thức kỷ luật đối với cấp uỷ và người đứng đầu về chế độ trách nhiệm.
Thứ hai: Cấp uỷ và uỷ ban kiểm tra các cấp cùng với các cơ quan thanh tra, điều tra, kiểm sát, toà án phải nắm chắc tình hình và khẩn trương kiểm tra, kết luận, xử lý kịp thời đúng pháp luật những đơn tố cáo về đạo đức, lối sống tiêu cực của cấp uỷ viên và người đứng đầu các cơ quan, trước hết đối với Uỷ viên Trung ương, trưởng ban, bộ trưởng, bí thư cấp uỷ, chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, trực thuộc Trung ương và cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị.
Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nói chuyện về quan điểm đào tạo cán bộ của Đảng. Ảnh:TT |
Thứ ba: Không ngừng hoàn thiện các chính sách, pháp luật, trước hết là về quản lý ngân sách, quản lý tài sản doanh nghiệp, quản lý đất đai nhằm phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực. Các chương trình kinh tế - xã hội, vǎn hoá, an ninh, quốc phòng, đối ngoại đều phải có biện pháp thực hành tiết kiệm và phòng chống tham nhũng.
Thứ tư: Sử dụng đồng bộ hệ thống giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là sự giám sát của tổ chức đảng, trước hết là từ chi bộ, sự giám sát của nhân dân và các cơ quan đại diện nhân dân, sự giám sát của công luận. Củng cố tổ chức và có cơ chế quản lý chặt chẽ bảo đảm các cơ quan kiểm tra, thanh tra, bảo vệ luật pháp trong sạch, vững mạnh để làm nòng cốt cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu.
Thứ 5: Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng nêu gương “người tốt, việc tốt” giới thiệu kinh nghiệm của các điển hình tiên tiến; lên án cái xấu, cái ác, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tệ nạn xã hội; chống những quan điểm sai trái, thù địch.
“Một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay” mà Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đưa ra có tính “công phá” vào vai trò trách nhiệm, ý thức, lòng tham, bản lĩnh, trí tuệ, thực chất sự cống hiến của cán bộ đương chức có “tâm, tầm, liêm, đức” vì Tổ quốc, vì dân tộc hay không?. Nói cách khác, đó là những luận điểm có sự ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm của người đứng đầu các cấp các ngành đối với sự tồn tại, thăng tiến, hay “ì ạch”, thậm chí “khai tử” của cơ quan, đơn vị mà cán bộ đó đảm trách.
Tính “công phá đặc biệt” của “Một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay” còn thể hiện ở chỗ dự báo tình hình tham nhũng lãng phí, nếu không tiếp tục “đổi mới cải cách hành chính, đổi mới tư duy kinh tế, đồng thời đổi mới về cơ chế quản lý trong công tác xây dựng Đảng”.
21 năm qua kể từ ngày Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 khóa VIII ra đời, “Một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay” đã được cụ thể hóa vào công tác lãnh đạo và có sức sống mãnh liệt. Cũng từ Nghị quyết này, hàng loạt cơ chế, chính sách, chủ trương, biện pháp về vấn đề chống tham nhũng, đổi mới công tác quản lý cán bộ được bổ sung, ban hành. Hàng nghìn vụ tham nhũng có tính chất “cộm cán” được đưa ra ánh sáng công luận; hàng trăm cán bộ thoái hóa biến chất được “thanh liêm bảo kiếm” của Đảng trừng trị thích đáng với tiêu chí “chống tham nhũng không có vùng cấm, không chừa một ai”.
Công tác lãnh đạo của Đảng ở các cấp các ngành từng bước được củng cố; Đảng lấy lại được niềm tin với nhân dân; nhân dân tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Điều đó được minh chứng từ hàng ngàn quan chức, cán bộ “nhúng chàm” được “xử trảm” dưới ánh sáng lãnh đạo của Đảng, sự quyết liệt của Bộ Chính trị mà người tiếp tục kế nhiệm quan điểm tư duy của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đáng kính.
Tiêu diệt tham nhũng từ “trứng nước”
Sinh thời, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã đưa quan điểm có sự “ràng buộc” chặt chẽ giữa trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức với kết quả “thành công” hay “thất bại” của cơ quan mà người đứng đầu tổ chức ấy đảm trách.
Trước sự biến đổi nhanh chóng của nền kinh tế thị trường về chuyển dịch đầu tư xây dựng cơ bản giữa các vùng miền. Trước tình hình tham nhũng lãng phí ngày càng tinh vi hơn, ông đã đưa ra quan điểm: “Chống tham nhũng phải chống từ cơ quan công quyền, từ người có chức quyền”. Đây thực sự là quan điểm “đặc biệt” có tính chất “tiêu diệt và kìm hãm” lòng tham của cán bộ có tư tưởng “leo cao chui sâu”, “thiếu tâm, hạn tầm, xa dân”. Ông lý giải rằng, cơ quan công quyền đại diện cho tầng lớp nhân dân ở mỗi cấp, ngành sở tại. Để trong sạch bộ máy, cơ quan công quyền phải “thanh liêm”. Muốn thanh liêm, phải chống tham nhũng. Chống tham nhũng trong cơ quan công quyền không phải “chống cơ quan đó” mà chống “lòng tham của con người trong cơ quan đó”. Con người trong cơ quan đó trước hết là người đứng đầu tổ chức, người nắm giữ quyền cao chức rộng, sau đó với đến cán bộ, đảng viên thuộc quyền.
Giải thích vì sao lại chống tham nhũng “người có chức quyền” trước? Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho rằng: Có quyền sẽ “đẻ” ra tiền, có tiền thì sẵn sàng “mua” được quyền. Nếu không “chặn đứng, chặt đứt” lòng tham của kẻ tham nhũng từ trong “trứng nước”, thì kẻ tham nhũng có cơ hội “leo cao chui sâu” vào bộ máy của Đảng, lợi dụng chức quyền, chiếm đoạt của công, coi trọng “túi riêng”, tạo “chân rết”, “xây thành lũy lợi ích nhóm”, rốt cuộc làm hại cho Đảng, làm xói mòn lòng tin của nhân dân. Vì vậy phải “tiêu diệt tham nhũng” ngay từ “ý tưởng tư duy” của kẻ tham nhũng.
Cho đến bây giờ sau 21 năm kể từ ngày Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 khóa VIII đi vào cuộc sống, tư duy “chống tham nhũng từ cơ quan công quyền, từ người có chức quyền”, “chống tham nhũng phải nhổ hết gốc rễ” vẫn được Đảng ta vận dụng trong công cuộc phòng chống tham nhũng trong toàn Đảng. Nó vẫn nguyên giá trị tươi mới và có tính “cố định, tiêu chí, vững chắc” trong công tác xây đựng Đảng và lựa chọn cán bộ lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ đất nước chuyển mình mạnh mẽ trên con đường hội nhập sâu vào kinh tế thế giới và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ thể chế chính trị trong tình hình mới.