Tầm vông nướng lửa, nguồn tài nguyên phong phú đất tri tôn
Xã hội - Ngày đăng : 16:41, 08/08/2020
Vương quốc “ tầm vông”
Nhớ lần về Tri Tôn trước đây, oong Trần Văn Mỳ, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT Huyện Tri Tôn cho biết: “Cây Tầm vông rất phù hợp với thổ nhưỡng vùng đất đồi núi của huyện, không nặng công chăm sóc, giá bán ổn định và luôn đắt hàng. Người trồng lẫn người mua để bán lại đều khấm khá nhờ loại cây nầy ”.
Đến thời điểm hiện nay chưa có tư liệu nào xác định chính thống cây tầm vông có mặt trên đất Tri Tôn vào thời điểm nào nhưng theo các lão nông tri điền kể lại: loại cây nầy có mặt hàng trăm năm qua, là nguồn nguyên liệu giúp cư dân xây dựng nhà ở, chuồng trại, chế biến dụng cụ lao động sản xuất…
Công đoạn " uốn” tầm vông |
Bà Neang Sa Rum, chủ tịch Hội Nông dân xã Lương Phi, huyện Tri Tôn cho biết: “Tầm vông là mặt hàng chủ lực đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo, cuộc sống ngày càng ổn định, đặc biệt là các hộ dân người dân tộc Khmer không đất sản xuất”.
Nhiều nông dân chuyên trồng tầm vông chia xẻ một số kinh nghiệm: loại cây nầy rất dễ trồng, chỉ cần xới đất, đào lỗ, ghim cây vào lỗ vào mùa mưa là cây sẽ sống và phát triển tốt. Tuy nhiên người trồng phải chặt bớt nhánh thường xuyên hay đốn bỏ cây còi cọc, chậm lớn để các cây còn lại phát triển nhanh, thân thẳng đứng.
Muốn cho tầm vông phát triển tốt và suôn, chủ vườn phải chăm sóc ngay từ lúc mới mọc măng, chọn những cây măng to khỏe để lại, loại bỏ cây già, xấu, thường xuyên phát hoang bụi rậm, đào xới đất, bón phân. Ngoài ra, cần phải phòng trừ loại bọ hút chích măng tầm vông, gây chậm lớn. Thông thường cây trồng lần đầu sau 3 năm thì thu hoạch, sau đó các bụt măng sẽ tiếp tục phát triển thành cây và thu hoạch mỗi năm một lần. Cũng có người để thời gian đốn tầm vông lâu hơn.
Bình quân một công (1.000 mét vuông) sẽ trồng được khoãn 100 bụi và cho thu nhập có thể thu nhập từ 6 đến 8 triệu đồng/năm. Số tiền tuy không lớn nhưng cũng giúp nhiều hộ vượt qua khó khăn trước mắt bởi với địa hình đồi núi như Tri Tôn thì khó có thể trồng bất kỳ loại cây trái nào cho thu nhập cao.
|
Bà Thạch Thị Cà Ra, ngụ thị trấn Ba Chúc nói thêm: “Tui có 10 công tầm vông, khoảng 800 bụi, thu hoạch mỗi năm trên 70 triệu đồng. Năm nay thương lái mua giá cao hơn năm trước khoãng 20% Cụ thể cây loại 1 có giá 35.000 đồng; loại 2 có giá 30.000 đồng/cây…
Thoát nghèo bền vững từ cây tầm vông
Tầm vông được người mua quanh năm nhưng cao điểm là từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm. Người lao động làm công việc đốn cây, tước nhánh, vận chuyển từ nơi trồng ra các điểm tập kết được trả công từ 300.000 đến 350.000 đồng/ngày. Công việc bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 15 giờ chiều, người làm không nghỉ trưa, tự lực việc ăn uống trong ngày và được người thuê trả tiền hàng ngày.
Chị Neang Cha Ranh, người đã có trên 10 năm làm nghề đốn tầm vông cho biết: “Nghề nầy rất nặng nhọc khi phải đốn tầm vông ở các nơi xa điểm tập kết do vận chuyển ở cự li xa. Cạnh đó rất vất vã khi lao động trong thời tiết nắng nóng”.
Ngoài số lao động làm nhiệm vụ đốn, tước, vận chuyển tâm vông, huyện Tri Tôn còn có hàng trăm lao động làm công đoạn “ uốn” tầm vông trước khi xuất bán. Chính cái nghề độc đáo nầy đã giúp hàng trăm hộ dân, đa số là người Khmer, người Chăm có cuộc sống ổn định.
|
Ông Chau Gương, ngụ thị trấn Ba Chúc người đã có 20 năm làm nghề uốn tầm vông kể về cái “nghiệp” của mình: “Trước đây tui làm nghề đốn tầm vông cho thương lái mỗi ngày được từ 250.000 đến 300.000 đồng mỗi ngày. Tuy nhiên công việc không có liên tục nên chuyển sang nghề nầy. Mỗi ngày tui có được khoản 250.000 đồng, khỏe hơn trước nhưng thu nhập thấp hơn. Được cái là có chuyện làm thường xuyên”.
Về nguồn gốc nghề nầy có rất nhiều xuất xứ khác nhau nhưng đa phần đều cho rằng nghề “ uốn” tầm vông xuất phát từ tỉnh Tây Ninh. Trước đây các tỉnh miền Tây thường chỉ bán tầm vông tươi ( trong đó có cây ngay lẫn cây cong), sau khi học được nghề nầy, nhiều địa phương đã xây dựng các lò “uốn” để vừa tăng giá bán sản phẩm lại vừa tạo việc làm cho lao động địa phương.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, người được xem là thương lái lớn nhất xã Lương Phi với sức mua mỗi ngày trên 20.000 cây tầm vông, vào mùa cao điểm lên đến 70.000 cây /ngày cho biết: “Cây tầm vông rất phù hợp với đất đai tại đây. Loại cây nầy chịu hạn hay mưa dầm rất tốt; không phải sử dụng phân thuốc; không bị sâu bệnh, đốn hạ tương đối dễ dàng, vận chuyển thuận lợi”
Nhiều người dân tại đây cho biết tầm vông tuy có thân thẳng đứng hơn tre, trúc nhưng một số cây bị dạng cong rất khó bán cho thương lái, từ đó những cây nầy phải được “ uốn” cho thẳng trước khi bán. Từ đó nghề “ uốn tầm vông” ra đời từ đó. Hiện nay có khoãn 200 người làm nghề nầy ở nhiều điểm khác nhau.
Ông Thạch Tha, ngụ xã Lương Phi kể: “Hai vợ chồng tui làm nghề nầy mỗi ngày có được từ 400.000 đến 500.000 đồng, đủ trang trải cho phí sinh hoạt trong gia đình, lo cho 3 đứa con ăn học. So với những nghề khác, “uốn” tầm vông không cực lắm nhưng phải có sức chịu đựng sức nóng từ các lò than”.
Hiện tại công nhân “uốn” tầm vông đều hưởng tiền công tùy thuộc số lượng sản phẩm hoàn thành, bình quân 1.500 đồng mỗi cây. Người có tay nghề cao sẽ “ uốn’ được từ 200 đến 250 cây/ngày. Phụ nữ làm công việc chuyển cây đến lò than được trả 80.000 đồng/cây. Công việc thường bắt đầu từ 6 giờ sáng và kết thúc lúc 16 giờ mỗi ngày. Những lúc cao điểm, số lượng tầm vông tăng cao, người lao động phải làm đến 20 giờ đêm. Tuy vất vã do “tăng ca” nhưng tiền công mỗi ngày có khi lên đến 600.000 đến 700.000 đồng/ người/ngày. Giá bán Tầm vông sau khi uốn được chia ra làm năm loại có giá bán từ 20.000 đến khoảng 45.000 đồng/cây tùy thuộc độ dài, đường kính, độ tuổi của cây.
Công đoạn được xem là khó nhất là phải canh lữa trong các lò than sao cho cháy đều, nóng nhiều để thời gian “ uốn” nhanh hơn, thường từ 2 đến 3 phút mỗi cây. Mỗi lượt uốn có từ 10 đến 15 cây tầm vông tùy thuộc kích thước, độ dài, độ “ già” của cây. Chất đốt các lò đa phần là các loại than đước, gáo dừa có nhiệt độ tỏa ra rất cao ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe cuả người lao động.
Hiện nay mỗi ngày huyện Tri Tôn cung cấp cho các địa phương từ 20.000 đến 30.000 cây tầm vông các loại đã và đang trở thành cây thoát nghèo rất hiệu quả cho hàng trăm hộ dân vùng núi Tri Tôn, tỉnh An Giang.