TP.HCM: Quản lý việc thải bỏ, thu gom rác thải cồng kềnh
Môi trường - Ngày đăng : 21:06, 07/08/2020
Một tấm gỗ lớn được người dân đem vứt bỏ trên miệng cống thoát nước cùng các loại rác sinh hoạt khác tại đường Trường Sa (quận Bình Thạnh) |
Rác cồng kềnh là các loại chất thải rắn có kích thước, bề dày lớn (giường, tủ, bàn ghế hỏng, nệm, tấm thạch cao lớn…), vừa khó chất xếp lên xe vận chuyển thủ công, xe tải nhỏ, vừa khó cuốn ép, xử lý. Không những vậy, rác cồng kềnh có chất liệu đa dạng, từ gỗ, nhựa, thạch cao, sắt, thép… nên không thể đem chôn lấp tất cả mà cần phải được phân loại để xử lý cho phù hợp.
Tuy nhiên, đến nay, TP.HCM cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước chưa có quy định riêng về quản lý loại chất thải này. Cho nên, khi người dân phát sinh các loại rác thải cồng kềnh thường thuê các đơn vị, cá nhân đến vận chuyển đi; đồng thời nhiều người lén lút đem vứt bỏ tại các khu vực công cộng.
Nhiều vật dụng không còn sử dụng có kích cỡ lớn được người dân vứt bỏ tại khu vực ban công chung cư Phạm Viết Chánh (quận Bình Thạnh) |
Để chấn chỉnh tình trạng này, UBND TP.HCM đã chỉ đạo UBND các quận, huyện cần tăng cường quản lý chất thải rắn cồng kềnh trên địa bàn; công bố công khai số điện thoại của cơ quan chức năng cho người dân biết và phản ánh khi cần thiết; hướng dẫn người dân cách thức thu gom rác thải cồng kềnh một cách hợp lý. Tránh trường hợp người dân bỏ rác thải cồng kềnh không đúng nơi quy định, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.
Đặc biệt, cần tăng cường kiểm tra, xử phạt đối với các trường hợp địa phương đã có công bố dịch vụ thu gom mà người dân không tuân thủ và thải bỏ chất thải rắn cồng kềnh không đúng nơi quy định
UBND TP.HCM cũng đề nghị Công ty dịch vụ công ích các quận, huyện xây dựng đề án và tổ chức bộ máy thu gom chất thải rắn cồng kềnh trên địa bàn. Đồng thời, các đơn vị này cần xây dựng đơn giá và phương thức xử lý chất thải rắn cồng kềnh sau khi thu gom.