"Đà Nẵng hết dịch chúng tôi mới về!"

Xã hội - Ngày đăng : 22:09, 06/08/2020

(TN&MT) - 2 đoàn y bác sĩ Hải Phòng, Bình Định đã đến Đà Nẵng và sẵn sàng nhận nhiệm vụ tham gia điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Tạm biệt quê nhà, gia đình, lúc này, tất cả đều cùng một quyết tâm, khi nào thành phố hết dịch mới trở về.

Trong 02 ngày 5 và 06/8, gần 60 bác sĩ, điều dưỡng của Hải Phòng và Bình Định đã đến Đà Nẵng để sát cánh trong cuộc chiến chống Covid-19. Hiện các y bác sĩ của 2 tỉnh này đã được TP Đà Nẵng bố trí vào ở tại một khách sạn trên đường Lê Duẩn để chuẩn bị nhận nhiệm vụ, đi đến các bệnh viện dã chiến, bệnh viện phong tỏa để điều trị cho bệnh nhân.

Rất nhiều y bác sĩ trẻ "xung phong" ở Bình Định vào tâm dịch Đà Nẵng

BS Đặng Tuấn Hải, chuyên khoa ngoại tiết tiệu BV đa khoa tỉnh Bình Định, trưởng đoàn Bình Định cho biết, ngay khi vừa có văn bản đề nghị hỗ trợ của TP Đà Nẵng, thì số lượng đăng ký tính đến tối hôm qua (5/8) đã lên đến gần 100 người đăng ký. Trước những tấm lòng nhiệt huyết của bác y bác sĩ Bình Định, lãnh đạo BV Đa khoa tỉnh đã phải cân nhắc rất kỹ từng trường hợp, đánh giá về điều kiện khoa phòng, cũng như hoàn cảnh gia đình của từng người. Nâng lên đặt xuống bao nhiêu lần, lãnh đạo mới chọn ra 25 y bác sĩ (trong đó có 8 bác sĩ) ưu tú, tốt nhất để đi trong đợt này.

“Đợt đi này là những y, bác sĩ trẻ, khoẻ và chưa có gia đình và rất nhiệt huyết với công tác đoàn thanh niên cũng như trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Chuyên môn của 8 bác sĩ tham gia rất đa dạng, nội khoa, ngoại khoa, hồi sức, y học dự phòng, tai mũi họng... để phục vụ tốt nhất cho bệnh viện dã chiến Tiên Sơn. Đến thời điểm này tâm lý mọi người rất là thoải mái, thứ nhất là đã có sự ủng hộ rất nhiệt tình từ lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo sở y tế Bình Định, gia đình cũng rất hỗ trợ, thứ hai mọi người đã được tập huấn kỹ càng. Chúng tôi rất yên tâm và tin tưởng sẽ chiến thắng dịch bệnh cùng Đà Nẵng.” - BS Đặng Tuấn Hải chia sẻ.

Tất cả đều cùng một quyết tâm khi nào Đà Nẵng hết dịch mới trở về

Với điều dưỡng Nguyễn Công Huấn - BV Đa khoa tỉnh Bình Định thì truyền thống cách mạng của gia đình chính là động lực thôi thúc anh đăng ký lên đường ngay khi nghe tin kêu gọi chi viện cho Đà Nẵng.  Điều dưỡng Nguyễn Công Huấn kể, cha anh trước kia từng là lính chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Tất cả những nơi nguy hiểm nhất cha anh đều đặt chân tới. Đó là động lực sẽ giúp anh vượt qua những khó khăn trong những ngày tới.

Lúc có đơn đăng ký đi thì anh cũng chưa xin phép gia đình, tự đăng ký đi. Khi được, Bác sĩ trưởng khoa có hỏi về việc đã báo thông tin tham gia chống dịch ở Đà Nẵng cho gia đình chưa, anh chia sẻ: hồi xưa ba anh cũng đi chiến trường tự nguyện, bây giờ anh đi thì chắc chắn ba anh cũng sẽ đồng ý. Sau khi đăng ký xong, anh gọi điện về nhà, gia đình anh đều đồng ý và dặn dò bảo anh ra đến Đà Nẵng thì phải cố gắng giữ gìn sức khỏe cho bản thân và nỗ lực hết mình giúp các bạn Đà Nẵng trong công tác điều trị bệnh nhân, khi nào hoàn thành nhiệm vụ rồi về với gia đình.

“Khi đặt bút xuống viết đơn, đồng nghĩa là tôi sẵn sàng vững tin vào cuộc chiến chống dịch này sẽ thành công. Hôm nay lên xe, trước khi đi, chúng tôi cũng nhận được sự động viên của các bác lãnh đạo và cũng nỗ lực quyết tâm, rằng bao giờ hết dịch thì chúng tôi mới về.” – điều dưỡng Nguyễn Công Huấn tâm sự.

Tâm trạng của các y bác sĩ  từ Hải Phòng đều rất háo hức và cùng một quyết tâm, sẽ kề vai sát cánh với các đồng nghiệp Đà Nẵng dập dịch

Cũng với một quyết tâm chiến thắng đại dịch, đoàn y bác sĩ TP Hải Phòng gồm 33 người cũng đã đến Đà Nẵng từ chiều 5/8.  Điều dưỡng Bùi Thị Nhàn (SN 1985, công tác tại Bệnh viện Việt Tiệp) khi có công văn của lãnh đạo bệnh viện, điều dưỡng Nhàn ngay lập tức đã gọi điện cho chồng để nói về quyết định đi Đà Nẵng.  “Tôi bảo rằng, chồng ơi em xung phong đi Đà Nẵng nhé. Chồng tôi không ngần ngại bảo rằng, ừ em cứ đi đi, mọi việc ở nhà đã có anh lo. Thế là tôi đăng ký lên đường đi ngay" – điều dưỡng Nhàn kể lại.

Theo điều dưỡng Nhàn, lúc rời Hải Phòng, tâm trạng của các y bác sĩ đều rất háo hức và cùng một quyết tâm, sẽ kề vai sát cánh với các đồng nghiệp Đà Nẵng dập dịch. “Xác định ngày trở về có khi còn rất lâu nhưng anh em trong đoàn đều không ngần ngại. Sẵn sàng vào Đà Nẵng, sẵn sàng vào tâm dịch, sẵn sàng phục vụ tại bệnh viện dã chiến, sẵn sàng chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19… Chúng tôi đã quyết tâm như thế, bao giờ Đà Nẵng hết dịch, chúng tôi mới yên tâm trở về" – điều dưỡng Nhàn nhấn mạnh.

Trước đó, sáng 4/8, ông Huỳnh Đức Thơ đã gửi công văn đến TP Hải Phòng và tỉnh Bình Định, mong 2 địa phương này hỗ trợ về nhân lực ngành y cho cuộc chiến chống Covid-19 ở Đà Nẵng trong tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP đang diễn biến phức tạp. “Nhân lực ngành y tế Đà Nẵng đang ở vào thời điểm rất khó khăn. Đặc biệt, đội ngũ y, bác sĩ, kỹ thuật viên y tế đang công tác tại các bệnh viện lớn và các cơ sở y tế của TP đã bị phong tỏa, đang trong tình trạng cách ly toàn bộ hoặc cách ly một phần nên không đủ nhân lực để điều phối, sử dụng phục vụ điều trị bệnh nhân nói chung và bệnh nhân mắc Covid-19 nói riêng, nhất là tại các bệnh viện dã chiến chuẩn bị đưa vào sử dụng" - ông Thơ nhấn mạnh.

Nhân lực ngành y tế Đà Nẵng đang ở vào thời điểm rất khó khăn.

Để góp phần vào hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở địa phương này và trên cả nước, Đà Nẵng mong nhận được sự hỗ trợ điều phối đội ngũ y, bác sĩ, kỹ thuật viên y tế từ các tỉnh, thành phố bạn xung phong, tình nguyện đến TP cùng quyết tâm khống chế dịch bệnh đợt này.

Lan Anh