Kiệt sức ở tâm dịch, nhân viên 115 vẫn ở lại “chiến đấu”
Xã hội - Ngày đăng : 21:06, 06/08/2020
Những ngày này, cộng đồng mạng chia sẻ hình ảnh về những nhân viên của Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng người đẫm mồ hôi, kiệt sức, phải truyền nước trong cuộc chiến với Covid-19 khiến nhiều người nhói lòng. Cường độ làm việc quá nhiều, hàng ngày vận chuyển số lượng bệnh nhân lớn, phải mặc đồ bảo hộ nóng bức trong thời gian dài dẫn đến mất nước khiến sức khỏe của những y bác sĩ của Trung tâm bị ảnh hưởng.
Nhân viên của Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng mồ hôi, kiệt sức trong cuộc chiến với Covid-19 |
Ngày 6/8, có mặt tại Trung tâm cấp cứu 115 thành phố Đà Nẵng (đường Quang Trung, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) mới thấm thía vị mặn của hành trình làm việc trên từng gương mặt của các nhân viên y tế ở đây. Từ khi có dịch Covid-19, các nhân viên cấp cứu luôn mặc lên mình những bộ đồ bảo hộ. Đối với họ, làm việc suốt nhiều giờ trong bộ thiết bị bảo hộ cồng kềnh, gồm bộ quần áo nặng 6 kg, khẩu trang N95, kính chuyên dụng và túi bọc giày là một thử thách. Nhiều y bác sĩ khi thực hiện xong nhiệm vụ, trở về trung tâm cởi bỏ bộ đồ đã bị choáng và ngã xuống đất.
Bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng, phó Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 thành phố Đà Nẵng chia sẻ, lực lượng trực chiến tại Trung tâm cấp cứu 115 có khoảng 20 người. Anh em chia quân theo các ca, kíp 24/24 và cũng để thay phiên nhau, để giữ sức, giữ quân và làm mọi biện pháp bảo tồn lực lượng. Chống dịch như chống giặc. Nhiều người trong số họ có người thân qua đời ở quê nhà, có vợ sinh mổ ở bệnh viện vẫn chưa thể về để chăm sóc được...
Trung tâm cấp cứu 115 thành phố Đà Nẵng lên đường vận chuyển bệnh nhân |
Đặc biệt đối với nữ nhân viên, sau vài ngày phong tỏa, những cô gái này cắt tóc cho nhau chỉ để không làm cản trở trở trong lúc làm nhiệm vụ. Không những thế ở vùng tâm dịch, không về nhà nên ban đêm chỉ những lúc chợp mắt những cô gái này lại nhớ con, gia đình. Dù vậy, khi có lệnh, anh chị em Trung tâm đều không nề hà, rất hăng hái lao vào nhiệm vụ tuyến đầu, đi như hơn 100 % sức vậy. Nhiều lúc xuyên đêm chỉ để chở bệnh nhân từ Bệnh viện Đà Nẵng ra Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 điều trị mất 5-6 tiếng đồng hồ cho quãng đường hơn 240 km và các công đoạn chuẩn bị đưa bệnh nhân lên, xuống xe.
“Tuy nhiên, ngồi trên xe suốt ngày, nhưng buồn nhất là chở các đồng nghiệp bác sĩ, điều dưỡng dương tính đi cách ly. Chưa bao giờ căng thẳng và đau lòng trong cuộc đời làm nghề y như những ngày đó”, bác sĩ Hồng nói.
Các chị phải tự cắt tóc cho nhau để thuận tiện cho công việc |
10 ngày qua, cứ như vậy, vì liên tiếp có ca bệnh phải vận chuyển nên nhiều người của đội trực chiến 115 này chỉ được ngủ vài tiếng đồng hồ mỗi ngày. Dù đuối sức, nhớ gia đình nhưng không nhân viên nào muốn rời khu cách ly. Cùng với đội trực chiến, mỗi ngày, bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng, phó Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 thành phố Đà Nẵng đều thăm hỏi các anh em của đội trực chiến và những câu trả lời ấy mới thật nghẹo ngào.
Dù khó khăn, vất vả nhưng tất cả vẫn chung một niềm tin chiến thắng đại dịch |
Đặc biệt, ngày 4/8, đội trực chiến 115 Đà Nẵng nhận nhiệm vụ chở các ca mắc Covid-19 nặng, phải thở máy, từ Bệnh viện Đà Nẵng tới Bệnh viện dã chiến tại Trung tâm y tế huyện Hoà Vang. Các nhân viên mặc đồ bảo hộ che kín toàn thân không thoát khí chỉ để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm và làm việc trong nhiều giờ liên tục để di chuyển người bệnh bằng xe chuyên dụng. Lúc chuyển hết các ca bệnh cũng là lúc một số nhân viên kiệt sức phải nhờ đồng nghiệp sơ cứu, truyền nước.
“Nhớ nhà, nhớ con, nhớ gia đình nhưng không một ai giơ tay khi tôi hỏi: “Hôm nay đứa mô muốn ra khỏi hàng rào? Và tụi nó mỉm cười trả lời “Tụi con ở lại chiến đấu hết cô ơi”, bác sĩ Hồng nghẹn ngào.