Trồng rừng ngập mặn phòng, chống lụt bão

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 13:25, 06/08/2020

(TN&MT) - Việc phát triển hệ thống rừng ngập mặn sẽ góp phần thực hiện mục tiêu phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, tạo cảnh quan sinh thái và giảm chi phí đầu tư cho các công trình đê điều.

Trồng cây… chắn sóng

Ông Lê Hồng Đạt, Trưởng phòng Quản lý đê, Chi cục Thủy lợi Hải Phòng cho biết, đối với Hải Phòng, rừng ngập mặn càng có vai trò quan trọng trong việc phòng hộ đê biển, chống xói mòn, cố định phù sa, mở rộng bãi bồi... làm tiền đề cho việc quai đê lấn biển, phát triển kinh tế biển nói riêng và kinh tế xã hội nói chung.

Trong các năm qua, nhiều trận bão đã gây ảnh hưởng nặng nề đến tài sản, đời sống của nhân dân vùng ven biển và hệ thống đê biển Hải Phòng như: cơn bão số 2 (Washi) năm 2005, cơn bão số 7 (Damrey) năm 2005, bão số 6 (Sangsane) năm 2006, bão số 8 (Sơn Tinh) năm 2012, bão số 2 (Bebinca) năm 2013, bão số 14 (Haiyan) năm 2014, gây thiện hại hàng nghìn tỷ đồng.

Ý thức được tầm quan trọng của rừng ngập mặn, TP Hải Phòng đã chú trọng đến việc phát triển trồng rừng mới và bảo vệ rừng ngập mặn thông qua triển khai tốt các chương trình trồng rừng quốc gia cũng như các chương trình trồng rừng ngập mặn do các tổ chức phi Chính phủ tài trợ.

Trồng cây chắn sóng bảo vệ đê biển

Mở rộng hệ thống rừng phòng hộ ven biển

Theo ông Đạt, thực tế công tác trồng rừng ngập mặn nhiều năm qua đã cho thấy, ở những nơi có điều kiện lập địa thuận lợi (bãi bồi phù sa đã ổn định, cốt đất phù hợp...) thì trồng rừng ngập mặn dễ thành công, rừng sinh trưởng và phát triển tốt, sớm phát huy được chức năng phòng hộ và mọi chức năng khác của rừng. Song ở những nơi có điều kiện lập địa khó khăn, mọi biện pháp trồng rừng thông thường đều không thành công.

Hiện nay, hệ sinh thái rừng ven biển ở Hải Phòng chủ yếu là rừng ngập mặn với các loài cây chủ yếu là: Trang, Bần chua, Mắm trắng, Đâng.... loài cây ưu thế nhất là bần chua phân bố ở vùng cửa sông (Tiên Lãng, Thủy Nguyên, Kiến Thụy, Đồ Sơn, Dương Kinh); Cây Đâng phân bố tập trung tại huyện Cát Hải.

Trong tổng diện tích rừng hiện có (2.761,35 ha), diện tích rừng tự nhiên ngập mặn là 689,46 ha (tập trung tại khu vực huyện Cát Hải); rừng trồng là 2.071,89 ha được trồng bởi các dự án theo Chương trình 327/CT và Dự án Trồng mới 5 triệu ha rừng của Chính phủ. Ngoài ra còn 434,27 ha rừng trồng của các dự án trồng rừng thuộc Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) đang trong giai đoạn đầu tư.

Để phát triển hệ thống rừng ngập mặn với mục tiêu phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, tạo cảnh quan sinh thái, giảm chi phí đầu tư cho các công trình đê điều, ông Đạt cho cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học vào việc trồng rừng ngập mặn tại các vị trí có điều kiện thổ nhưỡng không thuận lợi; nghiên cứu các giải pháp công trình nhằm tăng cường khả năng tạo bãi trước đê để phục vụ trồng rừng.

Đồng thời, có cơ chế, chính sách, chế tài quản lý rừng ngập mặn chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa. Tăng cường sự quản lý của các cấp, các ngành trong công tác quản lý, khai thác và bảo vệ rừng ngập mặn…

Trong giai đoạn 2015 - 2020, TP. Hải Phòng đã và đang triển khai thực hiện 6 dự án phát triển rừng ven biển gồm: Phục hồi và phát triển rừng phòng hộ ven biển, ven sông thành phố Hải Phòng giai đoạn 2015 - 2020; Giảm sóng ổn định bãi và trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển; Trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc ứng phó với biến đổi khí hậu đảo Bạch Long Vỹ; Phục hồi và phát triển rừng ven biển tại quần đảo Cát Bà, giai đoạn 2016-2020; Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển; Công trình trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích sử dụng khác năm 2018.

Tuyết Chinh