Cơ hội phát triển điện gió ngoài khơi
Kinh tế - Ngày đăng : 13:24, 06/08/2020
Động lực cho cuộc phục hồi xanh hậu Covid-19
Theo GWEC, với 6,1 GW công suất mới được lắp đặt trên toàn cầu, năm 2019 là năm phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi thế giới, và dự kiến năm 2020 cũng sẽ đạt mức tăng công suất tương tự, bất chấp tác động của cuộc khủng hoảng từ dịch bệnh Covid-19.
Ông Ben Backwell, Giám đốc điều hành của GWEC đánh giá: Điện gió ngoài khơi đang thực sự mở rộng trên toàn cầu. Đó là nhờ chính phủ các nước trên thế giới nhận ra cần phải khởi động phục hồi kinh tế hậu Covid-19, đặc biệt là tận dụng cơ hội này để tăng sử dụng các nguồn năng lượng sạch. Hơn nữa, 1 GW năng lượng gió ngoài khơi tương đương với lượng giảm phát thải khoảng 3,5 triệu tấn CO2, cho thấy đây là công nghệ quy mô lớn có hiệu quả nhất hiện có giúp tránh phát thải khí các-bon và thay thế nhiên liệu hóa thạch tại nhiều nơi trên thế giới.
“Trong thập kỷ tới, chúng ta sẽ thấy các thị trường điện gió ngoài khơi mới nổi như Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam phát triển một cách toàn diện, đồng thời, sẽ chứng kiến các tuabin ngoài khơi đầu tiên được lắp đặt tại một số quốc gia khác ở Châu Á, Châu Mỹ Latinh và Châu Phi” – ông Ben Backwell nhấn mạnh.
GWEC dự báo, khu vực điện gió ngoài khơi sẽ tạo ra 900.000 việc làm trong thập kỷ tới - và con số này chắc chắn sẽ còn tăng lên nếu các nhà hoạch định chính sách đưa ra các chiến lược phục hồi giúp đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tăng trưởng của ngành.
Ngành công nghiệp này phát triển sôi động ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Dẫn đầu là Trung Quốc, với 52 GW công suất điện gió ngoài khơi mới dự kiến sẽ được lắp đặt vào năm 2030. Đài Loan sẽ trở thành thị trường điện gió ngoài khơi lớn thứ hai tại Châu Á sau Trung Quốc đại lục, với mục tiêu 5,5 GW vào năm 2025 và thêm 10 GW vào năm 2035. Các thị trường khác trong khu vực cũng bắt đầu mở rộng quy mô, với Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc dự kiến sẽ lắp đặt lần lượt là 5,2 GW, 7,2 GW và 12 GW công suất điện gió ngoài khơi .
Điện gió ngoài khơi cần được khai thác để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước |
Việt Nam có nhiều tiềm năng
Theo Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), với hơn 3.000 km bờ biển và một số khu vực có lượng gió lớn nhất ở Đông Nam Á, Việt Nam được coi là một trong những nước có tiềm năng điện gió ngoài khơi lớn nhất Đông Nam Á và là thị trường triển vọng nhất cho điện gió ngoài khơi.
Những số liệu sơ bộ đã chỉ ra, tiềm năng kỹ thuật gió ngoài khơi của Việt Nam là 160 GW. Đây là con số khổng lồ nếu so sánh với 29,1 GW điện gió ngoài khơi đã được lắp đặt trên toàn cầu. Ngay cả sau khi đã loại trừ các địa điểm không khả thi do xung đột với các mục đích sử dụng biển khác hoặc vì lý do tài chính, tiềm năng xây dựng điện gió ngoài khơi vẫn còn khá lớn.
Nguồn tiềm năng dồi dào này hiện đang thu hút mối quan tâm lớn từ các nhà đầu tư quốc tế. Mới đây nhất, trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam 2020, Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) đã ký biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Bình Thuận về phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn, với tổng công suất dự kiến lên đến 3,5 GW. Theo đánh giá, đây là một trong những dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam, đồng thời, hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi thành một quốc gia có hệ thống điện với tỷ lệ tích hợp năng lượng tái tạo cao và phát thải các-bon thấp. Dự kiến, dự án sẽ được đưa vào Quy hoạch phát triển điện của Việt Nam trong thời gian tới.
Phát triển điện gió, trong đó có điện gió ngoài khơi đang là một trong những hướng đi trọng tâm để thực hiện Nghị quyết 55-NQ/TW định hướng Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị, nhằm đạt mục tiêu 1/5 tổng cung năng lượng quốc gia đến từ các nguồn năng lượng tái tạo.
Mặc dù, Nghị quyết khuyến khích sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân, nhưng theo nhiều doanh nghiệp đầu tư điện gió tại Việt Nam, so với quy mô đầu tư, điện gió ngoài khơi cần vốn đầu tư gấp 4 lần dự án điện gió trên bờ. Trong khi đó, hiệu quả đầu tư lại phụ thuộc vào hiệu suất gió qua các mùa. Điều kiện thi công trên biển không hề dễ dàng, thậm chí rủi ro lớn nếu gặp thời tiết bất lợi. Chính vì vậy, rất cần có cơ chế hỗ trợ đặc thù để phát triển điện gió ngoài khơi. Được biết, Bộ Công Thương hiện đang xây dựng Báo cáo đầu vào cho lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi và thảo luận những bước đi của Chính phủ Việt Nam để hiện thực hóa quá trình này, nhằm bổ sung thêm nguồn năng lượng sạch để đưa vào Quy hoạch phát triển điện quốc gia trong 10 năm tới (Tổng sơ đồ điện 8).