Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Đầu tư - Tài chính - Ngày đăng : 14:20, 05/08/2020
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế, 6 tháng đầu năm 2020 tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 39,5% kế hoạch; trong đó vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương đạt 56% kế hoạch; ngân sách Trung ương thực hiện các chương trình đạt 32,7% kế hoạch; vốn từ nguồn thu di tích để lại cho đầu tư đạt 40%.
Nguồn vốn đầu tư chủ yếu tập trung vào các dự án chuyển tiếp. Vốn đầu tư ngân sách Nhà nước do Trung ương quản lý tiếp tục đầu tư vào những dự án trọng điểm quốc gia như: Trung tâm Sản phụ khoa Bệnh viện Trung ương Huế; Khu kinh tế quốc phòng A So, A Lưới...
Dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I Kinh thành Huế đang đạt tiến độ giải ngân tốt |
Điểm sáng trong thực hiện đầu tư công phải kể đến Dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I Kinh thành Huế (giai đoạn 1). Hiện, dự án đã cơ bản hoàn thành chi trả đền bù và giao đất cho 500 hộ; công tác kiểm kê, công khai giá đền bù cho hơn 2.400 hộ còn lại cũng cơ bản hoàn tất. Tỉnh đang tiến hành đề nghị Bộ Quốc phòng thống nhất di dời trụ sở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Bệnh viện 268 ra khỏi đất di tích; khởi công xây nhà ở theo mẫu cho 25 hộ nghèo thuộc diện di dời với chính sách hỗ trợ theo hình thức “chìa khóa trao tay” với kinh phí xây dựng khoảng 200 triệu đồng/nhà.
Riêng các dự án đầu tư công có vay vốn ODA tỷ lệ giải ngân mới chỉ đạt 12,7%; trong đó, thanh toán theo cơ chế trong nước đạt 46%; thanh toán theo cơ chế nước ngoài đạt 8%. Nguyên nhân chủ yếu do phải chờ Bộ chủ quản hướng dẫn các định mức và rà soát dự án tổng; có dự án phải chờ phê chuẩn Hiệp định vay nên chưa có cơ sở triển khai hoạt động; quy trình rút vốn, thanh toán vốn nước ngoài phải qua nhiều cơ quan kiểm soát, mỗi dự án sẽ phải theo một quy định riêng. Do đó, chủ đầu tư còn lúng túng, mất nhiều thời gian trong triển khai các thủ tục.
Các dự án đầu tư công đều chịu tác động của dịch COVID - 19 dẫn đến thiếu hụt ngân sách, nhân công. Vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng kéo dài cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án…
Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đang được triển khai tại Thừa Thiên Huế |
Năm 2020 là năm cuối thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Vì thế, vốn chỉ được giải ngân đến hết ngày 31/01/2021, không được chuyển nguồn sang năm 2021.
Theo lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện tỉnh tập trung ưu tiên giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi để triển khai thực hiện các dự án đã cam kết. Trong đó, ưu tiên giải ngân vốn đầu tư công thực hiện dự án di dời dân cư khu vực 1 Kinh thành Huế và di dời đất quốc phòng; triển khai các dự án lớn của Trung ương trên địa bàn...
Ông Nguyễn Đại Vui - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế cho rằng, các chủ đầu tư phải phân công trách nhiệm cán bộ theo dõi cụ thể, các công trình đã triển khai thực hiện phải cam kết đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch thi công. Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh nếu không thực hiện giải ngân đảm bảo yêu cầu. Các Ban quản lý dự án, chủ đầu tư thực hiện đầy đủ công tác báo cáo, giám sát đánh giá đầu tư theo quy định; thực hiện chế tài xử lý nghiêm khắc nhà thầu cố tình vi phạm hợp đồng làm chậm tiến độ thực hiện, giải ngân; kịp thời báo cáo giải quyết các khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ.
“Ban chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng các huyện, thị xã và TP. Huế cũng phải ưu tiên tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư để triển khai thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm. UBND cấp huyện tập trung hỗ trợ các chủ đầu tư trong công tác giải phóng mặt bằng thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương. Thực hiện việc điều chuyển nguồn vốn đầu tư công cho công trình, dự án khác nếu chủ đầu tư không làm tốt công tác giải phóng mặt bằng. Sự vào cuộc của các sở ngành, địa phương trong tháo gỡ khó khăn cho từng dự án, linh động trong cách làm của các chủ đầu tư… sẽ là sức mạnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công trong thời gian tới”, ông Vui nói.