Tập trung nguồn lực và giải pháp để triển khai kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 – 2025 lĩnh vực tài nguyên nước
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 14:09, 05/08/2020
Tham dự cuộc họp có lãnh đạo Cục Quản lý tài nguyên nước, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Viện Khoa học tài nguyên nước, Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường, Vụ Pháp chế, Vụ Khoa học công nghệ, Vụ Kế hoạch tài chính.
Giai đoạn 2016 – 2020: Cơ bản hoàn thành nhiệm vụ đề ra
Ông Châu Trần Vĩnh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý tài nguyên nước báo cáo, trong năm 2016 – 2020, công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tài nguyên nước đã xây dựng và trình ban hành 31 văn bản (bao gồm 4 Nghị định, 15 Thông tư và 12 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) và 04 văn bản đang xây dựng dự kiến ban hành trong năm 2020 (bao gồm 1 Nghị định, 3 Thông tư).
Ảnh minh họa |
Về công tác xây dựng và hoàn thiện chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước: Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tại Quyết định số 1748/QĐ-TTg ngày 04/12/2020 và đang triển khai lập quy hoạch; Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đã trình Thủ tướng Chính phủ lần 1 và đang hoàn thiện để trình lại. Đối với các quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh: Hoàn thành lập quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng; Sesan; Srepok (đang thực hiện điều chỉnh nhiệm vụ để phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch) dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2020; đang triển khai lập quy hoạch tài nguyên nước trên các lưu vực sông Hồng - Thái Bình, sông Cửu Long; đang thực hiện lập nhiệm vụ quy hoạch tài nguyên nước các lưu vực sông Đồng Nai, Ba, Vu Gia - Thu Bồn, sông Hương, sông Trà Khúc, Côn – Hà Thanh, sông Mã, sông Cả.
Về hoàn chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa, Bộ TN&MT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 11 quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông (Ba, Vu Gia - Thu Bồn, Sê San, Srepok, Mã, Cả, Kôn - Hà Thanh, Trà Khúc, Hồng, Hương, Đồng Nai) để vận hành các hồ điều tiết giảm lũ, tăng hiệu quả sử dụng nước và đảm bảo nguồn nước khu vực hạ du.
Công tác thanh tra, kiểm tra về tài nguyên nước đã có những chuyển biến rõ nét, Bộ đã thực hiện 7 cuộc thanh tra, 14 cuộc kiểm tra và ra 39 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 39 đơn vị có hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt là 5,7 tỷ đồng. Các địa phương đã thành lập 1.072 đoàn thực hiện thanh tra, kiểm tra 8.140 cơ sở, tổng số tiền xử phạt hơn 39 tỷ đồng.
Công tác điều tra cơ bản về tài nguyên nước đã thực hiện trên một số lưu vực sông lớn, vùng kinh tế trọng điểm, vùng kinh tế xã hội, một số đảo lớn quan trọng đã được tiến hành điều tra, đánh giá tài nguyên nước, tình hình khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước.
Hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên nước đã cơ bản được hoàn thành, xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát nguồn nước xuyên biên giới.
Công tác cấp phép đã tiếp nhận, thẩm định và trình Bộ cấp 705 giấy phép trong lĩnh vực tài nguyên nước, trong đó: 32 giấy phép thăm dò khai thác nước dưới đất; 79 giấy phép khai thác nước dưới đất; 34 giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất; 238 giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, 356 giấy phép khai thác nước mặt, nước biển.
Về thực hiện cấp quyền khai thác tài nguyên nước, đến hết năm 2019, Bộ TN&MT đã phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho 549 công trình khai thác, với tổng số tiền là 9.176 tỷ đồng. Các địa phương cũng đã phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho 3.241 công trình khai thác, với tổng số tiền khoảng 640 tỷ đồng.
Ngoài ra, Bộ cũng đã và đang thực hiện, hoàn thành các đề án “Bảo vệ tài nguyên nước dưới đất ở các đô thị lớn”; “Chương trình điều tra, tìm kiếm nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước”; “Điều tra, đánh giá chi tiết tài nguyên nước phục vụ xây dựng công trình cấp nước cho các đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam”; “Điều tra, đánh giá việc khai thác, sử dụng nước dưới đất, tác động đến sụt lún bề mặt đất khu vực thành phố HN, TP. HCM, ĐBSCL, định hướng, quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước dưới đất”.
Giai đoạn 2021 - 2025: Xác định 11 nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện
Trên cơ sở những kết quả đạt được, Phó Cục trưởng Châu Trần Vĩnh cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đồng thời rút ra một số bài học kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn trong giai đoạn tới.
Theo đó, xác định giai đoạn 2021 – 2025, lĩnh vực tài nguyên nước có vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, phục vụ phát triển bền vững đất nước và bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia. Vì vậy, lĩnh vực tài nguyên nước cần được ưu tiên đầu tư, phát triển trước một bước làm cơ sở hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó, Cục Quản lý tài nguyên nước đề xuất các mục tiêu cụ thể như sau: Hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật tài nguyên nước; Tăng cường quản lý khai thác tài nguyên nước tiết kiệm, hiệu quả; bảo vệ tài nguyên nước, hạn chế ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; Tăng cường công tác điều phối, phối hợp, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và phòng, chống các tác hại do nước gây ra trên các lưu vực sông.
Theo đó, 11 nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên nước được đề xuất để triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, sẽ tập trung ưu tiên Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về tài nguyên nước; Xây dựng và hoàn thiện chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước; Tăng cường điều tra cơ bản tài nguyên nước; Khai thác, sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm sử dụng tổng hợp, đa mục tiêu; Tăng cường thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực tài nguyên nước; Bảo vệ tài nguyên nước, khắc phục, hạn chế ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước…
Để thực hiện được các mục tiêu đề ra trong giai đoạn tới, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đã đề nghị Cục Quản lý tài nguyên nước và các đơn vị liên quan tập trung thảo luận và cho ý kiến về các nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên thực hiện trong giai đoạn tới. Đặc biệt lưu ý tới vấn đề xã hội hóa lĩnh vực tài nguyên nước. Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng, cần xác định những nhiệm vụ nào cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện, những nhiệm vụ nào các hộ sử dụng nước thực hiện. Có như thế, chúng ta mới có thể đủ nguồn kinh phí để thực hiện được các nhiệm vụ đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025.
Thảo luận về vấn đề này, đa số các ý kiến đều thống nhất với đề xuất của Cục Quản lý tài nguyên nước và bổ sung thêm một số ý kiến để hoàn thiện hơn.
Ông Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đề xuất, trước mắt cần tập trung nguồn lực cho công tác điều tra cơ bản, tiến hành tổng kiểm kê tài nguyên nước. “Phải điều tra đánh giá lập bản đồ TNN 1/100000 và sẽ lựa chọn một số lưu vực trọng yếu để làm trước”. – ông Tống Ngọc Thanh nêu ý kiến.
Với tài nguyên nước mặt, theo ông Thanh, cần dựa trên nền tảng quan trắc thủy văn và có sự tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung và đẩy mạnh công tác cảnh báo dự báo tài nguyên nước…
Nhấn mạnh sự quan trọng của công tác điều tra cơ bản tài nguyên nước, Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường cho rằng, tới đây cần tập trung vào tài nguyên nước mặt. Đặc biệt, cần sớm sửa đổi Luật Tài nguyên nước để có căn cứ pháp lý vững chắc 5 năm tới.
Lưu vực sông Mê Công |
Thứ trưởng Lê Công Thành chỉ ra bối cảnh tài nguyên nước giai đoạn tới, nhiều vấn đề liên quan đến công trình hồ chứa trên lưu vực sông xuyên biên giới: Mê Công, Đà, Thao, Lô…; Nhu cầu sử dụng nước của các ngành kinh tế gia tăng…Vì thế, theo Thứ trưởng, chúng ta cần có hành động để đi trước một bước.
Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh, năm 2021 là năm bản lề của Kế hoạch 5 năm (2021 - 2025). Vì thế, chúng ta cần cần tập trung đánh giá Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước giai đoạn 2016 – 2020, và xây dựng Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2030; tổng kết, đánh giá Luật Tài nguyên nước 2012 và đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung. Thứ trưởng cho rằng, cần phải sớm hoàn thiện 15 quy hoạch tài nguyên nước trên 13 lưu vực sông chính.
“Cùng với đó cần tiến hành công tác điều tra cơ bản về tài nguyên nước, tiến hành việc kiểm kê về tài nguyên nước trên phạm vi toàn quốc hoàn thành trước năm 2023, bởi đây là đầu vào quan trọng cho kỳ quy hoạch tiếp theo” – Thứ trưởng Lê Công Thành chỉ đạo.