Lai Châu: Chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ, sạt lở đất

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 08:49, 05/08/2020

(TN&MT) - Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Lai Châu, từ đêm 4/8 đến ngày 7/8, tỉnh Lai Châu có mưa rào rải rác đến mưa vừa, cục bộ có nơi mưa to đến rất to và dông, trong mưa dông đề phòng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Hiện nay, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực Bắc Bộ nối với hoàn lưu vùng áp thấp suy yếu từ cơn bão số 2. Qua theo dõi trên ảnh radar thời tiết cho thấy mây đối lưu đang phát triển rải rác trên hầu hết các huyện và TP. Lai Châu. Trong những giờ tới, những vùng mây đối lưu này tiếp tục phát triển và mở rộng gây ra mưa dông cho các huyện Mường Tè, Nậm Nhùn, Sìn Hồ, Phong Thổ, thành phố Lai Châu, Tam Đường, Tân Uyên và Than Uyên.

Tỉnh Lai Châu chỉ đạo các địa phương chủ động phương án ứng phó với mưa lũ và sạt lở đất

Dự báo từ đêm 4/8 đến ngày 7/8, tỉnh Lai Châu có mưa rào rải rác đến mưa vừa, cục bộ có nơi mưa to đến rất to và dông, với lượng mưa phổ biến 30 - 50mm/24h, có nơi trên 80mm/24h. Trong mưa dông đề phòng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Trước đó, ngày 2/8, UBND tỉnh Lai Châu ban hành Công điện số 15/CĐ-UBND về việc chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ, sạt lở đất do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2. UBND tỉnh Lai Châu yêu cầu: Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh; Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành tỉnh, Công ty Thủy điện Huội Quảng - Bản Chát, Công ty Thủy điện Sơn La  theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo thời tiết của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Lai Châu; theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ, cảnh báo kịp thời đến người dân để chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Tổ chức rà soát các hộ dân đang sinh sống trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để có phương án di chuyển kịp thời. Chỉ đạo quyết liệt phương án sơ tán, di chuyển những hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ trượt sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đến nơi an toàn.

Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, đơn vị thi công trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống thiên tai tại công trường. Chỉ đạo, tổ chức giám sát việc vận hành các hồ chứa nước trên địa bàn các huyện theo quy trình vận hành được cấp thẩm quyền phê duyệt, đồng thời chủ động xử lý mọi tình huống trong quá trình vận hành.

Tổ chức lực lượng tuần tra, cảnh giới, cắm biển cảnh báo những vị trí ngầm tràn có nguy cơ cao xảy ra ngập úng, lũ ống, lũ quét… để hướng dẫn người dân, phương tiện qua lại đảm bảo an toàn; thông báo cho người dân không nghỉ qua đêm tại lều, lán, nương rẫy; không đi làm nương, chăn thả gia súc xa nơi cư trú, không vớt củi, đánh bắt cá tại các sông, suối khi đang có mưa lũ. Chủ động triển khai các phương án phòng chống mưa lũ, sạt lở đất; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tổ chức ứng cứu khi có yêu cầu.

Sở Giao thông vận tải, UBND các huyện, thành phố phải sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, có phương án, vị trí đổ thải, vị trí tập kết vật liệu đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi tình huống. UBND các huyện, thành phố tuyên truyền, vận động nhân dân hỗ trợ trong công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo việc khắc phục mưa, lũ, sạt lở đất được thực hiện nhanh chóng, kịp thời. Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn và phân luồng giao thông, cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại những vị trí có nguy cơ sạt lở, sụt lún, ngầm tràn, bến đò, đường bị ngập úng để người tham gia giao thông chủ động phòng tránh.

Hà Thuận