Bình Định: Người Bana Vĩnh Thạnh mòn mỏi chờ sổ đỏ

Đất đai - Ngày đăng : 18:44, 04/08/2020

(TN&MT) - Từ khi biết cái nương, cái rẫy là tài sản quý giá của gia đình mình, hàng chục hộ dân tộc Bana xã Vĩnh Thịnh, xã Vĩnh Hòa huyện Vĩnh Thạnh mong chờ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (thường gọi là sổ đỏ) về đất ruộng, đất rẫy để gia đình ổn định sản xuất, được vay vốn phát triển kinh tế hộ gia đình. Điều mong mỏi ấy, hiện chỉ là ước mơ xa vời của bà con nơi đây.

Trong những ngày đầu tháng 8, chúng tôi về thăm bà con làng M2, M3 xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh để tìm hiểu về cuộc sống của người dân trong làng và nghe câu chuyện về họ. Điều chúng tôi thấy thú vị, ngôi làng thật bình dị, mộc mạc, tĩnh lặng, chỉ có âm thanh tiếng cười nô đùa của đám trẻ con cùng nhau chạy xe đạp dạo quanh đường làng giữa cái nắng nồng nàn của miền núi trong xanh.

Làng M2 xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh 

Nhà dân ở chưa đến 100 hộ, đất ruộng, đất rẫy phì nhiêu được bao phủ bởi không gian xanh ngát rợp chân trời tạo nên bức tranh sơn cước hữu tình. Đất đai phì nhiêu, gắn bó cả cuộc đời người dân Bana qua nhiều thế hệ trong gia đình, nhưng đến nay người dân chưa được quyền sử dụng trên chính mảnh đất nuôi sống gia đình mình để bà con ổn định sản xuất, vay vốn làm ăn, tăng gia sản suất, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Cuộc sống bình yên nơi miền núi Vĩnh Thịnh 

Bà con nhiều lần đề nghị UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo ngành chức năng xem xét sớm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ruộng và đất rẫy để đảm bảo lợi ích hợp pháp cho người dân. Ông Đinh Vỹ ở làng M2 chia sẻ: Dân ở đây phần lớn dân tộc Bana, hộ nghèo chiếm đa số, không có ruộng, rẫy người dân không biết làm gì để sống. Dân chúng tôi ở đây là dân sở tại, sinh sống nhiều đời trên mảnh đất này. Lo làm ăn nuôi sống gia đình, chỉ có mảnh đất là tài sản quý giá, nên mong nhà nước quan tâm hỗ trợ bà con được cấp sổ đỏ để được sử dụng đất lâu dài, ổn định và của mình không sợ ai lấy đi.

Đời sống người dân làng M2, M3 rất khó khăn, chủ yếu hộ nghèo và cận nghèo, phần lớn người đồng bào dân tộc Bana 

Chia sẻ với PV Báo TN&MT, ông Mã Thanh Hùng – Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh cho biết: Đời sống người dân làng M2, M3 rất khó khăn, chủ yếu hộ nghèo và cận nghèo, phần lớn người đồng bào dân tộc Bana và một số dân tộc khác. Họ canh tác đất ruộng, đất rẫy nhiều năm không ai tranh chấp, nhưng cũng muốn nhà nước cấp giấy chứng nhận để ổn định sản xuất, yên tâm làm ăn sinh sống. Tuy nhiên, việc kinh phí thực hiện vượt tầm UBND huyện Vĩnh Thạnh nên chờ ý kiến chỉ đạo cấp trên. Có thể một lúc không thể cấp sổ đỏ hết được cho người dân, dự kiến sẽ làm cho các hộ tại xã Vĩnh Hòa vì số lượng hộ dân ít hơn so với xã Vĩnh Thịnh.

Khu vườn trồng đào của người dân làng M2

Về vấn đề này, theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, làng M2, M3 xã Vĩnh Thịnh và xã Vĩnh Hòa, khu vực này chưa có bản đồ và hồ sơ địa chính, cử tri kiến nghị địa phương thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là cần thiết.

Thời gian qua, UBND huyện Vĩnh Thạnh tự cân đối nguồn vốn để đầu tư đo đạc bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại thôn Định Bình, xã Vĩnh Quang và xã Vĩnh Kim. Vì điều kiện thu ngân sách của UBND huyện Vĩnh Thạnh hạn chế, nên các xã còn lại chưa cân đối được kinh phí thực hiện.

 Đất ruộng, đất rẫy phì nhiêu được bao phủ bởi không gian xanh ngát rợp chân trời tạo nên bức tranh sơn cước hữu tình

Trước đây, để thực hiện công tác đo đạc bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các đia phương chưa có bản đồ và hồ sơ địa chính, UBND tỉnh Bình Định có ý kiến chỉ đạo việc hỗ trợ kinh phí cho việc đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính UBND các huyện, thị xã, thành phố trong quá trình điều hành ngân sách địa phương cần chủ động đề ra các giải pháp, phấn đấu tăng thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm để đảm bảo dành 10% tổng số thu tiền sử dụng đất và tiền thuê đất hàng năm cho việc thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, do Vĩnh Thạnh là huyện miền núi, có nguồn thu ngân sách hạn chế, không đảm bảo cân đối cho nhiệm vụ đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh Bình Định xem xét cho chủ trương hỗ trợ kinh phí địa phương thực hiện.

Mỹ Bình