Trách nhiệm của ủy ban nhân dân các cấp trong quản lý cát, sỏi lòng sông

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 18:01, 04/08/2020

(TN&MT) - Thời gian qua, tình trạng khai thác khoáng sản, cát lòng sông diễn ra phức tạp gây sạt lở bờ sông nghiêm trọng. Để xảy ra tình trạng này trách nhiệm lớn nhất thuộc về chính quyền địa phương.

Về vấn đề này, bạn đọc có thắc mắc, nhà nước quản lý tài nguyên khoáng sản (cát, sỏi lòng sông) như thế nào? Trách nhiệm của ủy ban nhân dân các cấp trong công tác quản lý loại tài nguyên ra sao?

Báo Tài nguyên & Môi trường xin trả lời như sau:

Chính phủ đã quy định cụ thể trách nhiệm quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của UBND các cấp tại Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản, đồng thời đã bổ sung hành vi, tăng mức xử phạt đối với một số hành vi, nhất là khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép lên 2-3 lần trong Nghị định số 33/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

Ảnh minh họa

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 về tăng cường hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản; Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chủ nhiều cuộc họp trực tiếp với các tỉnh, thành phố có hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép kéo dài, phức tạp để bàn các giải pháp ngăn chặn vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông.

Theo quy định mới nhất tại Nghị định số 23/2020/NĐ-CP quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn theo quy định của Luật Khoáng sản, quy định của Chính phủ và các nhiệm vụ trong công tác quản lý nhà nước đối với cát, sỏi lòng sông; bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, cụ thể như sau:

Xây dựng nội dung quản lý, thăm dò, khai thác, sử dụng cát, sỏi lòng sông trong quy hoạch tỉnh theo quy định của pháp luật về quy hoạch;

Tổ chức đấu giá quyền khai thác cát, sỏi lòng sông để cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn địa phương theo quy định của pháp luật về khoáng sản; chủ trì tổ chức đấu giá đối với khối lượng sản phẩm là cát, sỏi lòng sông thu hồi được từ các dự án duy tu, nạo vét luồng thuộc vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa;

Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan có chung ranh giới hành chính là các dòng sông trong việc quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm, cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông; xây dựng, ban hành quy chế phối hợp trong quản lý cát, sỏi lòng sông, kiểm tra, xử lý vi phạm tại khu vực giáp ranh (dưới đây gọi chung là quy chế phối hợp) và tổ chức thực hiện quy chế trên địa bàn địa phương sau khi ban hành;

Xây dựng và ban hành phương án bảo vệ cát, sỏi lòng sông chưa khai thác trên địa bàn, trong đó có việc quy định trách nhiệm và xử lý người đứng đầu các sở, ngành và chính quyền cấp huyện, cấp xã;

Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát đường thủy, Cảnh sát môi trường thuộc Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền đối với hoạt động khai thác cát sỏi trái phép; vận chuyển và kinh doanh cát, sỏi không có nguồn gốc hợp pháp trên địa bàn;

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về khai thác cát, sỏi trên sông, hồ, vùng cửa sông ven biển; bảo vệ, phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông thuộc thẩm quyền trên địa bàn;

Tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ, phòng chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hành lang bảo vệ nguồn nước đối với sông nội tỉnh; tổ chức điều tra, đánh giá quan trắc, giám sát diễn biến dòng chảy, bồi lắng, xói lở lòng, bờ, bãi sông trên các sông nội tỉnh;

Phê duyệt quy hoạch hệ thống bến, bãi và cấp giấy phép bến, bãi tập kết cát, sỏi lòng sông quy định tại Điều 10 Nghị định này;

Định kỳ hàng năm (hoặc đột xuất khi có yêu cầu) báo cáo Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan trung ương có liên quan về tình hình cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng cát, sỏi lòng sông tại địa phương.

Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn theo quy định của Luật Khoáng sản, quy định của Chính phủ và các nhiệm vụ sau đây:

Triển khai thực hiện quy chế phối hợp trên địa bàn và các huyện thuộc các địa phương khác nằm trong khu vực giáp ranh địa giới hành chính;

Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã) thực hiện các biện pháp bảo vệ cát, sỏi chưa khai thác;

Ngăn chặn hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép ngay sau khi phát hiện hoặc nhận được báo tin xảy ra hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn; xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật; trường hợp vượt quá thẩm quyền, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để xử lý theo quy định của pháp luật;

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về quản lý cát, sỏi lòng sông trên địa bàn huyện theo quy định của pháp luật.

Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn theo quy định của Luật Khoáng sản, quy định của Chính phủ và các nhiệm vụ sau đây:

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản đến thôn, bản, xóm; vận động nhân dân địa phương không khai thác, tập kết, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi trái phép;

Phát hiện và tố giác tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, khai thác cát, sỏi trái phép; thực hiện quy chế phối hợp trên địa bàn và các xã thuộc các địa phương khác trong khu vực giáp ranh;

Ngăn chặn hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép ngay sau khi phát hiện; xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật; trường hợp vượt quá thẩm quyền, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp trên để xử lý theo quy định của pháp luật;

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện về quản lý cát, sỏi lòng sông trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật.

Báo TN&MT