Bố trí kinh phí đo đạc, cắm mốc giới cấp Giấy chứng nhận các công ty nông, lâm trường

Đất đai - Ngày đăng : 10:11, 04/08/2020

(TN&MT) - Theo Bộ TN&MT, thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 112/2015/QH13 của Quốc hội về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng, Chính phủ đã ban hành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở để triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Đến nay, các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc rà soát đất đai gắn với rà soát, sắp xếp lại tổ chức, chuyển đổi công ty nông, lâm nghiệp và làm cơ sở để xử lý các tồn tại, hạn chế, vướng mắc, vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất; tăng cường hiệu lực quản lý, hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai hiện do các công ty nông, lâm nghiệp.

Cụ thể, các địa phương đã xác định rõ ràng đối tượng sử dụng đất để làm rõ nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và nhiệm vụ sự nghiệp công ích; phân định rõ ràng giữa đối tượng được Nhà nước giao đất để quản lý như: Vườn Quốc gia, Khu Bảo tồn thiên nhiên; Ban quản lý rừng (đặc dụng, phòng hộ) với các đối tượng được Nhà nước cho thuê đất là các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp.

Tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp sử dụng

 Xác định nhu cầu và phạm vi sử dụng đất để phát huy nguồn lực và hiệu quả sử dụng đất trên cơ sở rà soát quỹ đất mà các nông trường, lâm trường đang quản lý, sử dụng sẽ giữ lại sử dụng và bàn giao một phần hoặc toàn bộ (nếu giải thể) để các địa phương có kế hoạch cân đối quỹ đất giao cho các đối tượng thực sự có nhu cầu sử dụng (như hộ gia đình - cá nhân tại địa phương và tổ chức khác); hạn chế việc sử dụng quỹ đất của Nhà nước mà các nông trường, lâm trường đang quản lý để giao khoán lại cho hộ gia đình cá nhân; liên doanh, liên kết; cho thuê, mượn; đất bị tranh chấp, lấn chiếm có xu hướng giảm…

Đặc biệt, công tác quản lý đất đai nói chung và quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường đã dần đi vào nề nếp, Nhà nước đã thiết lập được hồ sơ kỹ thuật và pháp lý quản lý, sử dụng đất ban đầu để phục vụ việc quản lý, sử dụng đất; hiệu lực hiệu quả quản lý, sử dụng đất được đã từng bước được cải thiện hơn.

Đến nay, đã tiến hành rà soát là 275 công ty, trong đó, giữ lại là 257 công ty (124 công ty nông nghiệp, 133 công ty lâm nghiệp; 97 công ty do Trung ương quản lý, 160 công ty do địa phương quản lý). 43/45 tỉnh đã cơ bản hoàn thành đã tiến hành đo đạc, cắm mốc ranh giới sử dụng đất đo đạc lập bản đồ địa chính; thẩm định và phê duyệt phương án sử dụng đất cho 117/257 công ty; còn lại 140/257 công ty chưa thực hiện.

Mặc dù, đã thực hiện được một số kết quả nêu trên, song hiện nay, vẫn còn bất cập, hạn chế cần phải được nhận diện, để giải quyết như: Hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất của các nông lâm trường vẫn còn kém hiệu quả; tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tranh chấp, lấn chiếm đất đai; nguồn lực đất đai chưa thực sự được phát huy; vẫn tiềm ẩn nguy cơ rừng và đất rừng tiếp tục bị tàn phá, nguy cơ suy thoái môi trường tăng cao…

 

Để giải quyết căn cơ, đồng bộ vấn đề này, Bộ TN&MT kiến nghị Chính phủ bố trí kinh phí để hỗ trợ 100% từ ngân sách Trung ương cho các địa phương bảo đảm việc đo đạc, cắm mốc giới đất đai, vẽ bản đồ, lập hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho các công ty nông, lâm nghiệp, các ban quản lý rừng.

Hữu Công - Trường An