Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Cần cân nhắc khoanh vùng dập dịch

Trong nước - Ngày đăng : 19:02, 03/08/2020

(TN&MT) - Tại buổi họp báo Chính phủ chiều 3/8, phóng viên đặt câu hỏi, về việc vừa qua Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân có đề nghị Đà Nẵng nên học tập kinh nghiệm của Vũ Hán trong chống dịch COVID-19. Về việc này quan điểm của Chính phủ, Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ như thế nào?

 

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi Họp báo 

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, cho biết, khi phát hiện ổ dịch mới trong thời gian vừa qua, ổ dịch tại 3 Bệnh viện tại Đà Nẵng đã được khoanh vùng ngay. 

"Dù ngày nghỉ nhưng Thủ tướng đã họp đưa ra chỉ đạo rất quyết liệt" - ông Mai Tiến Dũng nói.

Theo ông Mai Tiến Dũng, ổ dịch bao gồm các tổ hợp bệnh viện. Dân cư xung quanh sống gần khu vực đó. Hàng quán và những người dân quanh đó đã được kiểm soát và khoanh vùng chặt chẽ.

"Quan điểm chung là tại các vùng dịch chúng ta phải khoanh vùng dập dịch. Những vùng khác không phải ổ dịch thì cần cân nhắc về việc khoanh vùng" - ông Dũng nói và nêu ví dụ, ở một thôn của Thái Bình (thôn Bùi, xã Hoà Tiến) thì người ta chỉ khoanh vùng thôn đó thôi. Giãn cách xã hội và khoanh vùng thôn đó. 

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, cần phải khoanh vùng với bán kính nhỏ, vừa đủ để dập dịch. Việc này vừa để chống dịch nhưng cũng đảm bảo thực hiện mục tiêu kép.

"Kinh nghiệm các nước đều thực hiện mục tiêu kép như ở Việt Nam, vừa khống chế dịch bệnh song song với đó là duy trì phát triển kinh tế" - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc lại quan điểm này và cho rằng, bán kính việc khoanh vùng cách ly hay giãn cách thì cần phải có sự tính toán phù hợp, linh hoạt.

Ông Mai Tiến Dũng nhắc lại câu chuyện thiệt hại kinh tế của Singapore khi khoanh vùng dịch quá lớn. Các chuyên gia kinh tế của Singapore cũng cho rằng cần phải tính toán và khoanh vùng dịch hợp lý để tránh thiệt hại về kinh tế.

Nhắc tới ý kiến của Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân về việc chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, Thủ tướng sẽ tiếp tục nghiên cứu. Tuy nhiên cần phải nghiên cứu cho hợp lý và đảm bảo mục tiêu kép.

Cùng trả lời câu hỏi này, đại diện Bộ Y tế cho rằng: Chúng tôi cũng tiếp thu và nghiên cứu phương án và đề nghị của Bí thư Thành uỷ TP.HCM.

"Và từ đó, chúng ta áp dụng một cách phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay ở nước ta" - đại diện Bộ Y tế nói.

Trước đó, chiều 2/8, tại cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với các tỉnh, thành về phòng, chống COVID-19, Bí thư Thành uỷ TP Hồ chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đề nghị áp dụng kinh nghiệm của thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, để ngăn dịch bệnh tại Đà Nẵng.

Theo Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, xét theo tiêu chí mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố một quốc gia có dịch, là bình quân cứ một triệu dân thì 10 người nhiễm COVID-19.

Trong khi đó, Việt Nam hiện ghi nhận 2,7 người nhiễm trên một triệu dân, còn xa tiêu chí của WHO nên về tổng thể vẫn an toàn.

Tuy nhiên, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân chỉ ra rằng, Đà Nẵng đến nay ghi nhận hơn 100 ca nhiễm, trong khi dân số thành phố khoảng một triệu người, tức là nếu tính riêng Đà Nẵng thì gấp 10 lần tiêu chí nêu trên của WHO.

Cần xác định Đà Nẵng là trung tâm dịch đặc biệt nguy hiểm, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nói.

Khương Trung