Quảng Ninh chủ động các biện pháp phòng, chống mưa to gây ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở trên địa bàn.

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 18:29, 03/08/2020

(TN&MT) - Ngày 3/8, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Công điện số 12/CĐ-UBND về chủ động biện pháp phòng, chống mưa to gây ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở trên địa bàn tỉnh.

Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn Quảng Ninh, cơn bão số 2 đã suy yếu thành vùng áp thấp, tuy nhiên do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng thấp và dải hội tụ nối với vùng thấp, toàn tỉnh sẽ có mưa vừa, mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 50 - 70mm. Đợt mưa này có khả năng kéo dài đến ngày 7-8/8/2020, lượng mưa toàn đợt phổ biến từ 250 - 300mm, có nơi trên 300mm. Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh ở mức cao đến rất cao.

Tại các ngầm tràn trên địa bàn tỉnh đều được rào chắn, gắn biển cảnh báo và bố trí lực lượng trực 24/24h.

Để chủ động đối phó với diễn biến của mưa, lũ quét, sạt lở đất gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu chủ tịch UBND các địa phương, sở, ban, ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện khẩn trương một số nhiệm vụ sau:

Theo dõi thường xuyên chặt chẽ diễn biến mưa lũ, tình hình bất thường do mưa lũ, sạt lở đất, ngập lụt gây ra, cảnh báo thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, đến tận tổ dân, khu phố và người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh; sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối, sạt lở các bãi thải khai thác than, ngập lụt các khu vực trũng, thấp. Chủ động có phương án đề phòng, sẵn sàng di dời và thực hiện phương án cứu hộ, cứu nạn khi mưa, lũ lớn, sạt lở đất đá xảy ra; sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các tuyến đê, các hồ đập. Đặc biệt phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân trong mọi tình huống khi có mưa, lũ, sạt lở.

Thực hiện nghiêm việc tổ chức kiểm soát, cử người trực, canh gác 24/24h thường xuyên và có biển cảnh báo tại các vị trí ngầm, tràn, đường giao thông bị ngập, kiên quyết không cho phương tiện và người qua lại khi có mưa, lũ xuất hiện, sẵn sàng lực lượng phương tiện cứu nạn, cứu hộ với phương châm 4 tại chỗ khi có yêu cầu; với các trường hợp xảy ra thiên tai, sạt lở đất, ngập lụt...địa phương phải kịp thời báo cáo ngay về UBND tỉnh để chỉ đạo xử lý.

Chủ tịch UBND các địa phương, đặc biệt là các địa phương Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ, Hải Hà chỉ đạo cụ thể chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn kiểm tra cụ thể từng thôn, bản, khu phố, tổ dân, đặc biệt là các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất đá, khu vực ven sông, suối có nguy cơ lũ ống, lũ quét; thông báo cho nhân dân biết để chủ động sơ tán kịp thời ra khỏi khu vực nguy hiểm, kiên quyết chỉ đạo, đôn đốc các hộ dân phải sơ tán về nơi an toàn, trên nguyên tắc phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân.

Đồng thời, yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc, thủ trưởng các sở, ban, ngành cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm Văn bản số 5112/UBND-NLN3 ngày 28/7/2020 của UBND tỉnh về việc triển khai công tác phòng, chống thiên tai năm 2020. Bên cạnh đó, căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai thực hiện ngay các nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân; nghiêm túc thực hiện việc tổng hợp và báo cáo kịp thời, thường xuyên kết quả triển khai và biện pháp ứng phó với mưa, lũ về Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh.

Phạm Hoạch