Thừa Thiên Huế kêu gọi tàu thuyền vào bờ neo đậu an toàn

Môi trường - Ngày đăng : 16:08, 01/08/2020

(TN&MT) - Để đối phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng thành bão, Thừa Thiên Huế đã và đang khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào bờ neo đậu.

Áp thấp nhiệt đới sau khi hình thành đến sáng 1/8 vẫn di chuyển ổn định theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15 - 20km và có khả năng mạnh lên thành bão. Theo dự báo đến 1 giờ ngày 2/8, vị trí tâm bão ở khoảng 19,2 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ và cách huyện đảo Bạch Long Vĩ khoảng 120km về phía Nam, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ).

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có mưa với lượng phổ biến 5-15mm, có nơi cao hơn như Phú Ốc 22.4mm, A Lưới 29mm.

Thừa Thiên Huế kêu gọi tàu thuyền vào bờ neo đậu an toàn

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị này đã yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, tổ chức bắn pháo hiệu báo bão, áp thấp nhiệt đới, kêu gọi số phương tiện còn hoạt động trên biển khẩn trương vào bờ neo đậu.

Đến 31/7, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã kêu gọi 1.915 phương tiện/10.533 lao động vào tránh trú bão an toàn. Số phương tiện của địa phương đang hoạt động trên biển là 86 phương tiện/ 697 lao động, các phương tiện trên di chuyển và hoạt động đánh bắt gần bờ, phạm vi hoạt động vùng biển Nam Vịnh Bắc Bộ và Thừa Thiên Huế cách bờ 20-25 hải lý. Số phương tiện trên đã nhận được thông tin về áp thấp nhiệt đới.

Yêu cầu các địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến của vùng thấp, mưa lớn để chỉ đạo triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các công trình, nhà cửa, chỉ đạo các đơn vị chủ động phương án chống úng bảo vệ lúa, hoa màu vụ Hè Thu 2020 và bảo vệ diện tích nuôi trồng thủy sản; rà soát, kiểm tra phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, vùng ven sông suối, ven biển; vùng thấp trũng, khu vực ngập úng đô thị để sẵn sàng di dời đến nơi an toàn khi cần thiết.

Chủ đầu tư các công trình đang thi công, đặc biệt là công trình ven biển, ven sông, các hồ chứa nước đang thi công có phương án khơi thông dòng chảy và phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, vật tư thi công; bố trí biển báo, lực lượng ứng trực, hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đi qua khu vực hiện trường thi công dở dang. Các chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện tổ chức trực ban theo dõi diễn biến của mưa lũ, thực hiện nghiêm túc Quy trình vận hành đã được phê duyệt đảm bảo vận hành an toàn công trình và an toàn vùng hạ du...

“Để chủ động ứng phó với các tình huống hiên tai trong bối cảnh dịch COVID-19 đang phức tạp, không để xảy ra gián đoạn, bị động trong quá trình phòng, chống dịch bệnh khi có tình huống thiên tai xảy ra, các cơ quan liên quan cần theo dõi thường xuyên những bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai qua các phương tiện thông tin đại chúng, hướng dẫn cho nhân dân phòng tránh, ứng phó an toàn”, ông Hùng chia sẻ.

Văn Dinh