Các chương trình KHCN đã bước đầu đem lại kết quả khả quan trong ứng phó với BĐKH
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 22:31, 31/07/2020
Định hướng Chương trình KHCN cấp Quốc gia
Theo Quyết định số 1470/QĐ-BTNMT ngày 3/7/2020 của Bộ TN&MT về việc thành lập Tổ soạn thảo xây dựng đề xuất Chương trình KH&CN cấp Quốc gia giai đoạn 2021-2025, thành lập Tổ soạn thảo xây dựng đề xuất Chương trình KH&CN cấp Quốc gia “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững” giai đoạn 2021- 2025, mã số BĐKH/21-25.
Tổ soạn thảo có nhiệm vụ: Hoàn thiện báo cáo phân tích đánh giá thực trạng, luận giải các vấn đề KH&CN cần giải quyết trong chương trình; tổ chức biên soạn dự thảo đề xuất Chương trình “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững” giai đoạn 2021-2025, mã số BĐKH/21-25.
Cục Biến đổi khí hậu được Bộ TN&MT giao là cơ quan chủ trì đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học, thực tiễn phục vụ đánh giá, chuyển giao kết quả của các Chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, môi trường và đề xuất định hướng nghiên cứu cho giai đoạn 2021-2025”; mã số đề tài: BĐKH.43/16-20.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp |
Báo cáo định hướng Chương trình KHCN cấp Quốc gia, TS. Nguyễn Tuấn Quang - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu – Chủ nhiệm đề tài trên cho biết: Theo dự kiến, mục tiêu tổng quát của Chương trình KHCN phục vụ ứng phó với BĐKH, quản lý TN&MT nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho các giải pháp ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và tận dụng các cơ hội do biến đổi khí hậu mang lại; quản lý việc khai thác, sử dụng bền vững và ngăn chặn xu hướng suy giảm TN&MT; bảo đảm hài hòa, đồng lợi ích giữa ứng phó biến đổi khí hậu với quản lý TN&MT, tiếp cận theo hướng chuyển đổi.
Trong đó, có 2 mục tiêu cụ thể. Mục tiêu thứ nhất là cung cấp luận cứ khoa học nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách, công cụ kinh tế thúc đẩy hoạt động ứng phó với BĐKH gắn với khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững và bảo vệ TN&MT. Mục tiêu thứ 2 là nghiên cứu ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ ít phát thải, chống chịu với BĐKH và thân thiện với môi trường, quản lý hiệu quả TN&MT.
Theo TS. Nguyễn Tuấn Quang, đứng trước những thách thức về BĐKH và quản lý TN&MT, Việt Nam đã sớm có những hoạt động cụ thể nhằm ứng phó với BĐKH, quản lý hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Hoạt động cụ thể nhất là hai chương trình KHCN cấp quốc gia phục vụ ứng phó với BĐKH, quản lý TN&MT.
Hai giai đoạn thực hiện của chương trình (2010-2015 và 2016-2020) kết quả thực hiện Chương trình - đã đạt được nhiều thành tựu, cung cấp cơ sở khoa học và thông tin phục vụ việc hoạch định chính sách cũng như thực hiện các hành động cụ thể ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
TS. Nguyễn Tuấn Quang cho biết: “Các chương trình, nhiệm vụ KHCN trên đã bước đầu đem lại những kết quả khả quan trong công tác ứng phó với BĐKH, quản lý TN&MT. Tuy nhiên, cũng trong quá trình triển khai 2 chương trình nghiên cứu khoa học, nhiều khoảng trống về tri thức KHCN cũng dần được bộc lộ. Để phục vụ công tác ứng phó với BĐKH, quản lý TN&MT tại Việt Nam, cần thiết phải giải quyết những thiếu hụt về KHCN này trong thời gian tới. Chỉ khi những khoảng trống tri thức trong ứng phó với BĐKH và quản lý TNMT được lấp đầy thì Việt Nam mới có thể thật sự phát triển một cách bền vững”.
Tập trung xây dựng chương trình KH&CN trọng điểm cấp Quốc gia theo các lát cắt
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết: Nhiệm vụ nghiên cứu BĐKH đã được phê duyệt và triển khai nhưng cần làm rõ, đánh giá, tổng hợp nhanh kết quả nghiên cứu để có được các sản phẩm là cơ sở khoa học để phục vụ xây dựng chương trình KH&CN trọng điểm cấp Quốc gia giai đoạn 2021-2025 và cần phân loại lại xem có bao nhiêu đề tài nghiên cứu.
Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, cần tập trung theo lát cắt ngang gồm 3 lĩnh vực: Sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.
“Bộ TN&MT đang chủ trì xây dựng chiến lược TN&MT, chiến lược đất đai bám vào Nghị quyết và Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Không phải chỉ tổng kết các chương trình quốc gia của Bộ TN&MT chủ trì mà phải lấy thông tin từ các bên chương trình khác gần gũi với vấn đề này để thấy được khoảng trống” – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cũng nhấn mạnh lát cắt dọc theo các ô: Hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, hoàn thiện các cơ chế kinh tế để hài hoà các quy chuẩn, đáp ứng nhu cầu hội nhập của khu vực kinh tế trong các lĩnh vực tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu…
Vụ trưởng Vụ KH&CN Trần Bình Trọng tại điểm cầu Vụ KH&CN |
Theo Thứ trưởng, Vụ KH&CN cần kiến nghị để có các nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến trên thế giới; nghiên cứu xây dựng các mô hình: sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu để làm rõ các vấn đề khi xây dựng theo khung 3 lát cắt ngang và các lát cắt dọc như trên.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị Cục Biến đổi khí hậu phối hợp chặt chẽ với Vụ KH&CN và các thành viên trong Tổ soạn thảo nghiên cứu theo các bước quy hoạch; song song với nhiệm vụ này, tổ chức các cuộc tọa đàm nhằm đánh giá, đi theo các lát cắt trên để phục vụ quá trình nghiên cứu.
Các đại biểu tham dự cuộc họp trực tuyến tại các đầu cầu |
Thứ trưởng chỉ đạo trước ngày 15/8, Vụ KH&CN phải hoàn thiện dự thảo khung chương trình KH&CN trọng điểm cấp Quốc gia giai đoạn 2021-2025 và gửi cho các thành viên của Tổ soạn thảo.