Phá dỡ công trình 8B Lê Trực không cam kết bảo vệ môi trường, phế thải chở đi đâu?
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 16:32, 31/07/2020
Phá dỡ công trình 8B Lê Trực không cam kết bảo vệ môi trường, phế thải chở đi đâu? |
Qua tìm hiểu, được biết tại Thông báo số 396/TB-UBND, ban hành kết luận của tập thể UBND TP. Hà Nội về việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại công trình 8B phố Lê Trực, UBND quận Ba Đình phải tổ chức thực hiện nghiêm túc và đúng quy định của pháp luật trong việc xử lý vi phạm giai đoạn 2 công trình 8B phố Lê Trực theo 2 bước. Cụ thể, bước 1, xử lý tầng 18 trước, sau đó báo cáo, đánh giá; trên cơ sở đó xem xét thực hiện tiếp bước 2 (xử lý tầng 17) theo đúng quy định của pháp luật.
Thực hiện theo nội dung trên, UBND quận Ba Đình đã phê duyệt kế hoạch, phương án phá dỡ, tháo dỡ công trình vi phạm theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. Đến ngày 8/5/2020, lực lượng cưỡng chế của quận, Công ty CP Đầu tư xây dựng dân dụng Bắc Nam - đơn vị thi công, bắt đầu tháo dỡ các vật dụng, đồ đạc, trang thiết bị bên trong căn hộ tầng 18, toàn bộ số phế thải phát sinh từ phá dỡ được đưa ra bên ngoài.
Để đảm bảo số phế thải được xử lý đúng quy định Công ty CP đầu tư xây dựng dân dụng Bắc Nam đã ký Hợp đồng số 025/2020/HĐKT, ngày 2/5/2020 với Công ty CP dịch vụ môi trường Thăng Long.
Theo phản ánh của người dân thời gian gần đây có rất nhiều các xe tải chở phế thải đến công trình xây dựng Lotte, gần khu đô thị Nam Thăng Long? |
Cụ thể, một trong những nội dung trong Hợp đồng số 025/2020/HĐKT cho biết: “Bên B (Công ty CP dịch vụ môi trường Thăng Long) đồng ý tiếp nhận và xử lý chất thải xây dựng không nguy hại, bao gồm: đất, gạch trạc, cát, vữa, bê tông xây dựng (không lẫn vào các loại rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, chất thải công nghiệp, nilon, cành cây, gỗ ván thải, vải, lốp, đất thải… do bên A(Công ty CP đầu tư xây dựng dân dụng Bắc Nam) vận chuyển từ công trình Gói thầu: Phá dỡ, tháo dỡ tầng 18 công trình vi phạm trật tự xây dựng tại số 8B Lê Trực về bãi xử lý chất thải rắn xây dựng theo công nghệ nghiền phía Nam thành phố, Thanh Trì, Hoàng Mai, Hà Nội. Khối lượng chất thải tạm tính: 1500 m3”.
Thế nhưng, theo phản ánh của người dân, thời gian gần có nhiều xe tải chuyên chở các loại phế thải, vật liệu xây dựng xuất phát từ tuyến phố Lê Trực, quận Ba Đình không vận chuyển về bãi xử lý chất thải rắn xây dựng phía nam thành phố, khu vực Thanh Trì, Hoàng Mai mà lại đi ngược lên khu vực Tây Hồ, Bắc Từ Liêm và điểm cuối của số phế thải này là công trường xây dựng Lotte, gần khu đô thị Nam Thăng Long?
Làm rõ nghi vấn trên, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường trao đổi với ông Nguyễn Viết Dũng - Phó Chủ tịch UBND phường Điện Biên, ông Dũng khẳng định thời gian qua trên địa bàn phường không phát sinh tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng, chính quyền phường cũng chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp với Công an phường Điện Biên giám sát chặt chẽ các công trường xây dựng, trong đó có việc phá dỡ toà nhà số 8B Lê Trực.
Các xe này sau khi trút xong phế thải ra ngoài đều được các nhân viên công trường phụt rửa |
Cung cấp các thông tin liên quan đến việc phá dỡ tại đây ông Dũng cho biết thêm: Ngoài Hợp đồng ký với Công ty CP dịch vụ môi trường Thăng Long để xử lý toàn bộ phế thải theo quy định pháp luật, đơn vị này đã có Bản cam kết thực hiện công tác an toàn - vệ sinh lao động, ngày 23/4/2020. Đối với vấn đề môi trường, công trình này không phải làm Bản cam kết bảo vệ môi trường vì hoạt động này nằm trong Quyết định phê duyệt kế hoạch, phương án phá dỡ, tháo dỡ công trình vi phạm của UBND quận Ba Đình!
Tuy nhiên, tại Chỉ thị số 07/CT-UBND, ngày 16/5/2017 của UBND TP. Hà Nội về việc “Tăng cường quản lý phá dỡ, thu gom, vận chuyển, xử lý phế thải xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội” nêu rõ: Trước khi doanh nghiệp tiến hành phá dỡ công trình, “phải có Bản cam kết bảo vệ môi trường, đề xuất khoản tiền phạt để khẳng định tuyệt đối tuân thủ các quy định vệ sinh môi trường trong công tác phá dỡ công trình, đào đắp, thu gom, vận chuyển, xử lý phế thải xây dựng tại UBND cấp xã; Trường hợp phải thay đổi Hợp đồng ký kết với đơn vị thu gom, vận chuyển phế thải xây dựng khác thì chủ đầu tư phải gửi ngay Hợp đồng đến UBND cấp xã và Đội thanh tra xây dựng cấp huyện để kiểm tra”.
Vậy câu hỏi đặt ra vì sao một dự án phá dỡ với khối lượng lớn phế thải xây dựng như công trình số 8B Lê Trực lại không có Bản cam kết bảo vệ môi trường? Và lực lượng chức năng của địa phương giám sát đến đâu khi mà hình ảnh người dân cung cấp các xe chở phế thải xây dựng chạy ra từ công trình 8B Lê Trực, chỉ gần 10 phút sau đã thấy đứng rửa xe quay ra tại công trình xây dựng dự án Lotte?
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.