Dịch Covid-19 hoành hành khiến thị trường bán lẻ tuột dốc

Bất động sản - Ngày đăng : 18:54, 30/07/2020

(TN&MT) - Gần 2 tháng tạm lắng, thị trường bán lẻ đang trên đà khởi sắc thì dịch Covid-19 có dấu hiệu bùng phát trở lại, khiến giới kinh doanh như “ngồi trên đống lửa”.

Kinh doanh giảm sút

Theo báo cáo thị trường bất động sản (BĐS) TP.HCM trong 6 tháng đầu năm 2020 của Savills Việt Nam, phân khúc nhà phố cho thuê vẫn đang chịu những ảnh hưởng tiêu cực, điển hình như việc trả mặt bằng hàng loạt tại các khu phố vốn rất sầm uất và cao cấp của TP.HCM.

Dịch Covid-19 hoành hành khiến người kinh doanh phải trả mặt bằng

Sau giai đoạn giãn cách xã hội, doanh thu bán lẻ TP.HCM trở lại đà tăng trưởng theo tháng ở mức 20% vào tháng 5 và 5% vào tháng 6/2020. Doanh thu lưu trú và ăn uống tăng mạnh 80% ở tháng 5 và 42% ở tháng 6/2020. Bên cạnh đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng thấp hơn, ở mức 12% vào tháng 5 và 3% vào tháng 6/2020.

Nhiều chủ nhà giảm giá nhưng vẫn không có người thuê

Giá thuê trong phân khúc bán lẻ trung bình giảm 1% theo quý nhưng ổn định theo năm. Nhằm hỗ trợ cho khách thuê bị ảnh hưởng trong thời gian giãn cách xã hội hầu hết các chủ mặt bằng đã giảm giá thuê đến 30% vào tháng 4 và tháng 5/2020. Khi lưu lượng khách mua sắm phục hồi kể từ tháng 6/2020, các trung tâm thương mại đã đề xuất mức giảm giá 15% hoặc giảm phí dịch vụ đến 2USD/m2.

Trong khi đó, với phân khúc nhà phố cho thuê, rất nhiều chuỗi ăn uống và thời trang tại các vị trí đắc địa nhưng tình hình kinh doanh giảm sút đã buộc phải đóng cửa hoặc thu gọn kinh doanh.

Khó khăn chồng chất                                                                  

Bà Trần Thị Thu Hà, Phụ trách bán lẻ Savills Việt Nam cho biết: “Mức giá thuê trung bình của khu vực này tương đối thấp hơn so với trung tâm như quận 1, quận 3 (TP.HCM), dao động từ 4.000 - 15.000 USD/m2 tùy vào vị trí và diện tích cho thuê với đa dạng các ngành hàng kinh doanh như: ẩm thực, siêu thị tiện tích…

Từ khi dịch bệnh bùng nổ, lệnh đóng cửa biên giới của các quốc gia ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động đi lại, khiến các chuyên gia nước ngoài không thể trở lại Việt Nam làm việc và việc thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng, đã dẫn tới sự sụt giảm nghiêm trọng trong kinh doanh của các doanh nghiệp tại đây".

Mặt bằng cho thuê tồn đọng phần lớn nằm ở các quận trung tâm TP.HCM như quận 1, quận 3 và quận 5

Trước thời điểm dịch bệnh, tỷ lệ lấp đầy của BĐS bán lẻ trong khu vực này luôn duy trì ở mức cao khoảng 95%. Hiện nay, tỷ lệ bỏ trống đã lên đến 40%, đặc biệt là các mặt bằng nội khu. Việc giảm giá thuê từ phía chủ nhà là một trong những điều kiện tiên quyết để gỡ rối những khó khăn hiện tại, không chỉ cho các khách thuê tại khu vực quận 7 mà là còn trên phương diện toàn thị trường. Mặc dù vậy, nên giảm bao nhiêu, hình thức giảm và thời hạn giảm, vẫn là điều các chủ nhà còn khá dè dặt và phải cân nhắc kỹ lưỡng.

Mặt bằng này đang treo biển cho thuê, trước đây là shop bán quần áo thời thượng Hoàng Phúc

Theo ghi nhận, các tuyến đường như: Pasteur, quận 3; Ngô Gia Tự, quận 10; Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1; Nguyễn Trãi, quận 5… xuất hiện rất nhiều bảng cho thuê nhà. Trước thông tin dịch bùng phát lần 2, chị Hoa, có mặt bằng cho thuê ở quận 3 nói: “Mặc dù, giảm giá từ 2-4 triệu đồng cho các mặt bằng hiện có nhưng hơn một tháng qua vẫn không có người thuê. Thậm chí giảm 60% nếu dịch xảy ra mạnh, trường hợp giãn cách xã hội… nhưng khách hàng vẫn lắc đầu”.

Không khó để bắt gặp các biển treo cho thuê mặt bằng tại nhiều quận ở TP.HCM

Theo Cục Thống kê TP.HCM, tổng doanh thu bán lẻ và dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2020 vẫn giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó dịch vụ lữ hành giảm mạnh nhất, đến 71% so với cùng kỳ năm ngoái. Tín hiệu tích cực đến từ doanh thu hàng hóa, tăng 10% so với cùng kỳ.

Đình Du