Sạt lở “rình rập” từng ngày ở Đồng bằng sông Cửu Long

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 14:56, 30/07/2020

(TN&MT) - Tình trạng sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang diễn biến ngày càng phức tạp dọc theo các tuyến sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, các nhánh sông chính và cả bờ biển, gây nhiều thiệt hại.

Sạt lở ở ĐBSCL diễn ra ngày càng khốc liệt và dồn dập. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2020, tại TP.Cần Thơ đã xảy ra 17 vụ sạt lở (tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019) với tổng chiều dài hơn 1.000m, ảnh hưởng đến 37 căn nhà; trong đó có 4 căn bị sạt hoàn toàn, thiệt hại tài sản hơn 12 tỉ đồng. Các quận, huyện xảy ra sạt lở gồm: Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Phong Điền và Vĩnh Thạnh.

Còn tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, chỉ trong ngày 28/5/2020 đã xảy ra 4 điểm sạt lở đất bờ sông trên các tuyến kênh Cái Muồng, Cái Đôi và Mái Dầm. Trong đó, Mái Dầm là tuyến nguy cơ cao, thường xuyên bị sạt lở ở hai bên bờ sông, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, đi lại của người dân mấy năm nay.

Nhiều tuyến đê biển ở một số tỉnh vùng ven biển ĐBSCL cũng đang bị tổn thương nghiêm trọng do hiện tượng xói lở bờ biển gây ra. Đã có hàng chục kilômét đê biển ngày đêm bị ảnh hưởng, những vạt rừng phòng hộ ven biển bị cuốn trôi.

Chỉ trong 5 tháng đầu năm, sạt lở đã gây thiệt hại hơn 12 tỉ đồng tại TP Cần Thơ. Ảnh: Tr.L

Theo thống kê, trung bình mỗi năm, xói lở đã làm mất khoảng 300 ha đất, rừng ngập mặn ven biển các tỉnh ĐBSCL. Tình trạng sạt lở không chỉ diễn ra trong mùa mưa mà còn xuất hiện cả mùa khô, từ các tuyến sông chính đến hệ thống kênh, rạch với mức độ ngày càng nhiều và nguy hiểm.

Đặc biệt, khoảng ba năm gần đây, tình trạng xói lở bờ biển đã đi sâu vào đất liền, cuốn trôi nhiều dãy rừng ngập mặn, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của hàng chục nghìn hộ dân, tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Đáng chú ý, hiện tượng này đang có dấu hiệu lan rộng với quy mô ngày càng lớn.

Trước diễn biến phức tạp của hiện tượng này, nhất là vào dịp tháng 9, tháng 10 hằng năm, các địa phương trong vùng ĐBSCL như: An Giang, Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Long An… đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp sạt lở bờ biển, bờ sông trên địa bàn.

Lý giải nguyên nhân gây sạt lở ở ĐBSCL, đại diện Trung tâm Quan trắc khí tượng thủy văn (Tổng cục KTTV) cho biết, hoạt động xây dựng làm hẹp dòng chảy tại các ngã ba, ngã tư tạo dòng chảy siết hoặc do dòng chảy trên một số sông rạch có sự thay đổi, lưu lượng nước mùa lũ thấp và áp lực dòng chảy trên sông giảm; cùng với đó, một số khu vực nền đất yếu, nhiều tàu bè qua lại gây áp lực lên bờ gây sạt lở...

Bên cạnh đó, tác động từ thượng nguồn, lượng phù sa từ thượng nguồn về ĐBSCL càng ngày càng bị suy giảm do các đập thuỷ điện ở thượng nguồn ngăn chặn phù sa từ thượng nguồn về ĐBSCL, tương lai các nước xây thêm các đập thuỷ điện khác vùng ĐBSCL càng bị tổn thương hơn nữa. Xu thế giảm của hàm lượng và tổng lượng chất lơ lửng từ sông Mê Công góp phần làm tăng nguy cơ sạt lở ở vùng ĐBSCL.

Mặt khác, thảm rừng phòng hộ mỏng, ít hoặc không còn rừng phòng hộ tác động của thủy triều, sóng và gió cũng gây sạt lở bờ biển ở khu vực này.

Trung tâm Quan trắc khí tượng thủy văn nhận định, tình hình sạt lở chủ yếu xảy ra trên hệ thống sông Cửu Long và vùng bờ biển tỉnh Cà Mau với nguy cơ ngày càng tăng nhanh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống an sinh xã hội.

Để tăng cường công tác nghiên cứu, tính toán, cảnh báo, dự báo sạt lở bờ sông, kênh rạch phục vụ phòng chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản của người dân và cơ quan nhà nước đảm bảo phát triển kinh tế xã hội, Trung tâm Quan trắc khí tượng thủy văn đề nghị xây dựng đề án đo đạc điều tra khảo sát địa hình lòng sông một số sông chính và các kênh rạch có nguy cơ xảy ra sạt lở bờ sông, kênh rạch.

Bên cạnh đó, phương hướng ứng phó cần thiết với sạt lở nghiêm trọng ở ĐBSCL là phải đánh giá đồng bộ các nguyên nhân; đồng thời, có các cơ chế huy động nguồn lực xã hội để ứng phó hiệu quả; đầu tư xây dựng, duy tu, bảo vệ vùng ven sông, ven biển cần gắn kết với phát triển sinh kế cho cộng đồng.

Mặt khác, các địa phương phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ cũng như mở rộng hợp tác quốc tế để ứng phó, nghiên cứu ứng dụng các giải pháp chỉnh trị sông và tái tạo bờ biển một cách phù hợp ở ĐBSCL.

T.Minh