Đà Nẵng: Vào “trận chiến” COVID -19 với tâm thế mới
Xã hội - Ngày đăng : 20:51, 29/07/2020
Bình tĩnh giữa tâm dịch
Vậy là thời khắc 0h00 ngày 28/7/2020 đã đi vào lịch sử của Đà Nẵng, khi lần đầu tiên thực hiện lệnh phong tỏa 3 bệnh viện lớn tại thành phố. Khi hàng rào bảo vệ đã được dựng lên, các gia đình sống trong vùng phong tỏa sẽ sống những ngày “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, với những bất tiện, làm đảo lộn cuộc sống thường nhật. Nhưng, họ đã tiếp nhận với một tinh thần, niềm tin nhất định chiến thắng dịch bệnh. Những thông điệp tích cực từ vùng cách ly truyền ra bên ngoài, càng làm chúng ta thêm vững tin, đồng thuận.
Cuộc sống yên bình bên trong khu vực phong tỏa quanh "ổ dịch" bệnh viện C Đà Nẵng |
Cũng từ đêm ấy, bên trong các bệnh viện cách ly, hàng trăm các y bác sĩ có thể phải trắng đêm chiến đấu với dịch bệnh cứu người. Nhiều y bác sĩ nhận lệnh cách ly mới chỉ vài giờ đã phải xa gia đình, vào lại bệnh viện chống dịch. Bác sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Trang, hiện đang công tác tại Khoa dược, Bệnh viện Đà Nẵng chia sẻ, con gái của chị mới 13 tháng tuổi chưa cai sữa, chưa lần nào xa mẹ, thế nhưng, khi Tổ quốc cần chị sẵn sàng lên đường bước vào cuộc chiến chống dịch Covid- 19 mới. “Tất nhiên cũng có đôi chút lo lắng nhưng nghe lệnh là lên đường. Dẫu là ngủ sàn nhà, ăn cơm hộp, làm việc 24/24h, chúng tôi vẫn đang thật sự bình tĩnh. Bây giờ thông tin số ca nhiễm Covid-19 chúng tôi không còn quan tâm nhiều nữa, xác định tâm thế cứ có ca là lao vào điều trị thôi” - bác sĩ Trang tâm sự.
Cũng như bác sĩ Quỳnh Trang, hàng trăm y bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C khi nhận thông báo đi cách ly nghĩa là đi vào tâm dịch nhưng họ đã bước vào cuộc chiến với tâm thế đầy lạc quan, tự tin. Vì với họ, đằng sau khó khăn này là nhiều hạnh phúc đáng mong chờ. Tinh thần ấy đã được thể hiện trong "Nhật ký Phong tỏa bệnh viện” đầy xúc động của bác sỹ Đặng Văn Trí, công tác tại Bệnh viện C Đà Nẵng :“Một ngày không xa, đội quân virus corona sẽ "thất trận"!”
Và như đã từng bao phen đương đầu bão tố nơi mảnh đất khắc nghiệt suốt chiều dài lịch sử, những người dân ở TP biển Đà Nẵng đang trong tâm thế hết sức bình tĩnh, tuân thủ nghiêm mọi mệnh lệnh chống dịch. Với các doanh nghiệp việc dừng hoạt động trong thời điểm này chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh tế nhưng vẫn ủng hộ tất cả các giải pháp của thành phố, thậm chí nhiều chủ nhà hàng phải đóng cửa vì dịch bệnh đã tình nguyện cung cấp hàng trăm suất đồ uống, suất ăn miễn phí cho các y bác sĩ. Như anh Phạm Lê Văn Long (một chủ chuỗi nhà hàng tại Đà Nẵng) đã huy động nhân viên của mình nấu mỗi ngày 800 suất cơm, mỗi suất 45.000 đồng để tiếp tế cho các y bác sĩ đang cách ly tại bệnh viện.
Đà Nẵng vắng lặng trong những ngày giãn cách xã hội |
Chị Nguyễn Thị Yến Nhi, trú ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng chia sẻ: Từ vài ngày trước khi nghe thông tin có ca mắc Covid-19, tôi đã chủ động mua một số thực phẩm thiết yếu để hạn chế ra khỏi nhà trong giai đoạn này. Theo chị Nhi, điều cần nhất bây giờ của người dân Đà Nẵng là không hoảng loạn, cần bình tĩnh và chăm lo sức khỏe của bản thân, thực hiện các quy định phòng chống dịch như chỉ ra đường khi thực sự cần thiết, đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay bằng nước sát khuẩn... để chiến thắng Covid-19.
Không để Đà Nẵng vỡ trận
Ngay khi có thông tin về ca mắc của bệnh nhân thứ 416, cả hệ thống phòng dịch của TP. Đà Nẵng đã được kích hoạt, vào cuộc quyết liệt với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Toàn thành phố thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 và tổ chức phong tỏa một số khu vực trọng điểm lây nhiễm.
Lực lượng y tế, chính quyền cơ sở tế địa phương tổ chức lực lượng chức năng điều tra, truy quét sàng lọc các đối tượng tiếp xúc trực tiếp (F1) đưa đi cách ly, đồng thời khoanh vùng, khử trùng lấy mẫu xét nghiệm khu vực dân cư xung quanh nơi cư trú và đi đến của các bệnh nhân trong thời gian ủ bệnh…
Khẩn trương sàng lọc, cách ly những trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh |
Để “chia lửa” với Đà Nẵng những đội đặc nhiệm tinh nhuệ của Bộ Y tế và các bệnh viện lớn cả nước hiện đã trực chiến tại tâm dịch. Đó là đội ngũ các y bác sĩ từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai (nơi trước đó không lâu cũng "bùng phát" Covid -19) từng chữa trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 đến Đà Nẵng để chung tay chiến đấu với dịch bệnh. Hình ảnh những y bác sĩ đang sải bước vội vã nhưng tự tin trên hành lang bệnh viện khiến nhiều người dâng lên một cảm xúc khó tả. Nhiều dân mạng chia sẻ bức ảnh "những chiến binh thầm lặng" này với nhiều dòng trạng thái xúc động, biết ơn, gửi lời cổ vũ các y bác sĩ và cảm ơn người đã chụp bức ảnh "đắt giá" này.
Bệnh viện Trung ương Huế cũng đã chuẩn bị cơ sở vật chất và nhân lực để tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 có diễn biến nặng được chuyển từ Đà Nẵng ra, đặc biệt là những bệnh nhân có nhiều bệnh nền, phải chạy thận nhân tạo.
Y bác sĩ trong khu vực cách ly hỗ trợ bệnh nhân vào chạy thận tại Bệnh viện Đà Nẵng |
Đang có thêm ca bệnh từ tâm dịch Đà Nẵng (tổng số đã có 26 bệnh nhân ở Đà Nẵng, 02 Quảng Nam, 01 Quảng Ngãi, 2 TP.HCM, 01 Đắk Lắk, 01 Hà Nội) tính từ ngày 25/7 đến nay). Nhưng Đà Nẵng đang tích cực với sự chung tay của cả nước, Đà Nẵng chắc chắn sẽ vượt qua bão giông. Người Đà Nẵng tin như thế, cả nước cũng tin như thế. Và hình ảnh bác sĩ bác sĩ Đương đang công tác tại khoa Cấp cứu của bệnh viện C trong bộ đồ bảo hộ màu xanh trấn an, động viên tinh thần các bệnh nhân lớn tuổi và ca hát cùng bệnh nhân trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp đã minh chứng cho tinh thần lạc quan, lòng quả cảm của người dân Đà Nẵng lúc này./.