Tốc độ suy thoái đa dạng sinh học chưa từng có trong lịch sử

Môi trường - Ngày đăng : 19:21, 29/07/2020

(TN&MT) - Đó là nhận định của Ủy ban Liên chính phủ Liên Hợp Quốc tại Báo cáo Đánh giá toàn cầu về Đa dạng sinh học và Dịch vụ hệ sinh thái năm 2019 (IPBES). Sự suy thoái này đe dọa đến tiến trình thực hiện phát triển bền vững. Vì vậy, thời điểm này các quốc gia trên thế giới phải kết nối hành động, ngăn chặn tốc độ suy thoái, phục hồi đa dạng sinh học, cùng xây dựng một tầm nhìn mới.

Báo cáo IPBES cho thấy, 1 triệu loài động vật và thực vật trong tổng số 8 triệu loài trên Trái Đất đứng bên bờ vực tuyệt chủng. Trong số các loài đang trong tình trạng bị đe dọa có tới 25% loài động vật có vú và 39% động vật có vú sống ở biển; 41% động vật lưỡng cư; 19% loài bò sát; 13% loài chim; 7% loài cá; 31% cá đuối và cá mập; 33% rạn san hô; 27% động vật giáp xác; từ 16% đến 63% thuộc về các loài thực vật. Ước tính 82 phần trăm sinh khối động vật có vú hoang dã đã bị mất.

Bên cạnh đó, các loài thực vật cũng đang bị suy giảm nghiêm trọng. Các khu rừng chứa 60.000 loài cây khác nhau nhưng mỗi năm có khoảng 10 triệu ha rừng bị mất kéo theo nhiều loài thực vật bị suy giảm. Từ năm 1990 đến nay đã có khoảng 420 triệu ha rừng đã bị mất do chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện có 4 loài động vật đã tuyệt chủng, 5 loài tuyệt chủng trong thiên nhiên, 48 loài rất nguy cấp và 113 loài nguy cấp, 37 loài thực vật rất nguy cấp, 178 loài nguy cấp. Số lượng các giống, chủng động vật, thực vật được nuôi trồng phục vụ sản xuất nông, lâm, thủy sản, y tế… đã mất đi khá nhanh, trong số này có nhiều giống quý.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng trên là do sự biến mất tự nhiên, khai thác quá mức; biến đổi khí hậu; ô nhiễm môi trường từ việc sử dụng thuốc trừ sâu, các sản phẩm nhựa... và các loài xâm lấn. Trong đó, đô thị hóa, phá rừng, phát triển nông nghiệp là những nguyên nhân chính khiến gần 75% môi trường mặt đất bị biến đổi, làm các loài và hệ sinh thái suy giảm. Biến đổi khí hậu cũng đẩy hàng nghìn loài động vật và thực vật ra khỏi môi trường sống của chúng. Các đợt nắng nóng, hạn hán gia tăng đã khiến nhiều nước phải hứng chịu hàng loạt vụ cháy rừng nghiêm trọng như ở Australia, Indonesia, Nga, Bồ Đào Nha, Mỹ và Hy Lạp.

 

10 triệu ha rừng bị mất mỗi năm kéo theo nhiều loài thực vật bị suy giảm.

Sự suy thoái và biến mất của nhiều loài sinh vật, thực vật đã khiến Liên Hợp Quốc phải xác định thập niên 2020 – 2030 là thập niên phục hồi hệ sinh thái. Và đây là thời điểm quan trọng để các nước cùng xây dựng một tầm nhìn mới cho những năm tiếp theo.

Để có một khuôn khổ hành động, hiện nay các nước đang cùng nhau xây dựng Khung Chiến lược toàn cầu về đa dạng sinh học sau 2020 (GBF) với mục tiêu đến năm 2050 con người sống hài hòa với thiên nhiên; đa dạng sinh học được coi trọng, bảo tồn, phục hồi và sử dụng một cách khôn ngoan.

Tuy nhiên, các chuyên gia về môi trường khẳng định, để đạt được mục tiêu chung cần thiết có sự hợp tác chặt chẽ, thống nhất nguồn lực và kết nối hành động giữa các quốc gia. Đối với Việt Nam, cần có định hướng cụ thể về chiến lược bảo tồn và phát triển ĐDSH. Các khu vực bảo tồn cần được ưu tiên trong các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc tế, phối hợp liên ngành, sự tham gia của khu vực tư nhân và cộng đồng để triển khai các chương trình bảo tồn và phục hồi ĐDSH. Lồng ghép bảo tồn ĐDSH trong các quy hoạch, chiến lược, kế hoạch của các ngành kinh tế có tác động nhiều đến hệ sinh thái, như: Nông, lâm, ngư nghiệp, du lịch, giao thông, năng lượng, sử dụng đất. 

Linh Chi