Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé tăng cường bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học

Môi trường - Ngày đăng : 15:43, 29/07/2020

(TN&MT) - Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé được đánh giá là khu bảo tồn lớn của Việt Nam, là nơi có hệ sinh thái rừng phong phú có tính đa dạng sinh học cao, sở hữu hệ động thực vật đa dạng và nhiều loại động, thực vật nằm trong sách đỏ Việt Nam, là địa điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Điện Biên.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé (KBTTN) có tổng diện tích tự nhiên trên 45,5 nghìn ha.

Nằm tiếp giáp giữa ngã ba biên giới Việt Nam – Lào - Trung Quốc. Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé (KBTTN) có tổng diện tích tự nhiên trên 45,5 nghìn ha, trong đó đất rừng là trên 31 nghìn ha, chiếm khoảng 68%. Trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 25.679,08 ha, phục hồi sinh thái 19.888,42 ha và diện tích vùng đệm là trên 59,8 ha, là nơi sinh sống của một số dân tộc vùng cao như người Hà Nhì, Khơ Mú, Mông... với đậm bản sắc văn hóa, nằm trên địa bàn 5 xã là: Sín Thầu, Leng Su Sìn, Chung Chải, Nậm Kè và Mường Nhé của tỉnh Điện Biên.

Mang đặc điểm của khí hậu nhiệt đới gió mùa với những nét đặc trưng của khí hậu nhiệt đới núi cao, Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé tỉnh Điện Biên có hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Hệ thống sông suối chảy trên địa hình tương đối phức tạp và có độ dốc lớn. Cùng với đó, KBTTN có rất nhiều cánh rừng nguyên thuỷ và cũng là nơi cư trú của nhiều loài động vật quý hiếm.

Hệ động, thực vật phong phú gồm nhiều loại gỗ, thảo mộc, động vật quý hiếm có tên trong sách đỏ của Việt Nam và Thế giới. Về thực vật, theo thống kê Khu bảo tồn có 742 loài thực vật, trong đó có 27 loài có tên trong sách đỏ như  Trầm hương, lát hoa, sồi, dẻ, giổi…. Về động vật có 291 loài, trong đó 67 loài có tên trong sách đỏ như gấu ngựa, gấu chó, vượn bạc má, voọc xám, các loài khỉ, công...

Cán bộ Khu BTTNMN điều tra, đánh giá thực trạng hệ sinh thái rừng, góp phần cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn ĐDSH tại khu bảo tồn.

Ông Diệp Văn Chính, Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, cho biết: Trong KBTTN Mường Nhé có nhiều thảm rừng nguyên sinh như rừng thường xanh trên đất thấp, rừng thường xanh núi thấp, rừng thường xanh trên núi cao và rừng tre nứa đang được bảo tồn nguyên vẹn, thảm thực vật đa dạng, phong phú, nhiều cánh rừng nguyên sinh nằm trong khu phục hồi sinh thái rừng và khu bảo vệ nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, KBT đã tiếp nhận và tái thả thành công 20 cá thể động vật hoang dã nguy cấp và quý hiếm về môi trường tự nhiên như: Khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi lợn, khỉ vàng và cá thể Rùa…

Tuy vậy, công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) tại KBTTN Mường Nhé vẫn còn khó khăn như: Đời sống nhân dân trong vùng đệm còn nghèo, trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán canh tác lạc hậu nên hiệu quả tuyên truyền chưa cao, tình hình dân di cư tự do vào rừng để phá rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản và săn bắt động vật rừng trái phép ở một số xã vùng đệm vẫn đang diễn ra.

Vì vậy, nhiệm vụ điều tra, đánh giá thực trạng hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học; đề xuất các giải pháp bảo tồn ĐDSH và quản lý rừng bền vững tại KBTTT Mường Nhé, tỉnh Điện Biên hết sức cần thiết và cấp bách, góp phần cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn ĐDSH tại khu bảo tồn, xây dựng  phương án quản lý rừng bền vững và các hoạt động khác có liên quan, đảm bảo nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát triển bền vững.

Thời gian tới, Ban Quản lý KBT sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ rừng và bảo tồn ĐDSH cho người dân sống trong vùng đệm Khu bảo tồn, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các lực lượng trên địa bàn thực hiện hiệu quả hoạt động tuần tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.

Đồng thời, có chính sách phù hợp thu hút sự đầu tư, hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong nước cũng như quốc tế trong việc thực hiện các chương trình, dự án nghiên cứu khoa học tại KBT, đặc biệt là các đề tài, dự án bảo tồn các loài động, thực vật quý, hiếm có giá trị bảo tồn cao; tập huấn nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông, môi trường và cán bộ làm công tác bảo tồn; tăng cường các nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học, bảo tồn ĐDSH, kiểm soát và bảo vệ các loài động, thực vật nguy cấp, quý, hiếm...

Trần Sơn - Hoàng Yến