Cơ bản hoàn thiện quy phạm pháp luật về khoáng sản
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 15:39, 29/07/2020
Về vấn đề này, cử tri thành phố Hồ Chí Minh có câu hỏi, hiện nay, hệ thống pháp luật của nhà nước về quản lý tài nguyên khoáng sản ra sao? Để quản lý chặt chẽ việc khai thác tài nguyên khoáng sản nhà nước đã ban hành những văn bản nào?
Vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời như sau:
Ngày 30/3/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan và các địa phương thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về khoáng sản.
Ảnh minh họa |
Trong đó, công tác thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về khoáng sản, thanh tra trách nhiệm đối với các tổ chức hành chính và người đứng đầu trong quản lý nhà nước về khoáng sản, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về khoáng sản và bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản, các cơ sở chế biến, sử dụng khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp, các cơ sở chế biến có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường là những nhiệm vụ trọng tâm.
Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ từ khâu hoàn thiện thể chế quản lý khoáng sản đến công tác cấp phép hoạt động khoáng sản, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản.
Theo đó, từ năm 2015 đến nay, Bộ đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành các Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản; Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.
Trong đó, Nghị định số 158/2016/NĐ-CP đã bổ sung nhiều nội dung mới và quan trọng nhằm tăng cường công tác quản lý khoáng sản, nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp khi được giao quyền khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, đã quy định cụ thể hơn trách nhiệm quản lý bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại Chương III; hướng dẫn nội dung Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp, quy định rõ trách nhiệm trực tiếp của người đứng đầu các địa phương nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép hoặc khai thác trái phép kéo dài mà không xử lý…
Nghị định số 33/2017/NĐ-CP đã bổ sung, điều chỉnh theo hướng nâng mức phạt đối với một số hành vi, nhất là hành vi khai thác cát, sỏi trái phép; bổ sung thêm các hành vi thuộc thẩm quyền xử phạt cho Uỷ ban nhân dân cấp các cấp nhằm kịp thời ngăn chặn các sai phạm trong khai thác khoáng sản.
Mặt khác, Bộ đã thực hiện nhiều hình thức phổ biến pháp luật về khoáng sản; đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm của Bộ nội dung thanh tra, kiểm tra chuyên đề theo từng loại khoáng sản; thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân để xử lý đối với các hành vi gây tổn thất lớn khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; phối hợp với các địa phương trong việc nắm bắt thông tin, kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.
Đến nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản cơ bản đã hoàn thiện với 1 Luật, 8 Nghị định (trong đó có 03 Nghị định mới được ban hành để thay thế), 5 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 52 Thông tư, thông tư liên tịch của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ liên quan.
Các quy định của Luật và các văn bản dưới Luật theo hướng chặt chẽ, minh bạch và bền vững. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về khoáng sản và chấn chỉnh hoạt động khoáng sản của tổ chức, cá nhân. Qua kiểm tra, thanh tra và báo cáo định kỳ về công tác quản lý nhà nước về khoáng sản của các địa phương cho thấy hoạt động khoáng sản của các tổ chức, cá nhân đã dần đi vào nề nếp; việc quản lý và cấp phép hoạt động khoáng sản đã tuân thủ theo đúng quy hoạch, quy định của pháp luật về khoáng sản.