Tây Nguyên: Dịch bạch hầu đang diễn biến phức tạp

Xã hội - Ngày đăng : 08:41, 29/07/2020

(TN&MT) - Từ lúc phát hiện ca bệnh đầu tiên cho đến thời điểm hiện tại chưa đầy 2 tháng. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh bạch hầu đang có chiều hướng diễn biến phức tạp trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Tính đến thời điểm này đã phát hiện 126 ca mắc bệnh bạch hầu. 

Ngành y tế tỉnh Đắk Nông tổ chức tiêm phòng cho các em học sinh

Số ca dương tính tăng nhanh

Cụ thể, Đắk Nông ghi nhận 38 ca dương tính với vi khuẩn bạch hầu tại 10 ổ dịch ở 4 huyện. Trong đó, Krông Nô 11 ca, Đăk Glong 17 ca, Đăk R'lấp 3 và Tuy Đức 5 ca. Hiện tỉnh ghi nhận 2 người tử vong, 24 người đã xuất viện, 10 ca đang điều trị tại Bệnh viện nhiệt đới TP HCM và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đăk Nông. 

Kon Tum ghi nhận 32 ca dương tính bạch hầu, với 19 ổ dịch, hiện còn 8 ổ dịch đang hoạt động. 5/6 huyện, thành phố với 8 xã, thị trấn ghi nhận ổ dịch bạch hầu đang tổ chức tiêm vacxin uốn ván bạch hầu(vacxin Td) tổ chức 29 đợt khám cho 3.203 người tại các ổ dịch. Ngành y tế Kon Tum kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục hỗ trợ vaccine Td để tiêm, cấp một hệ thống máy Real Time - PCR xét nghiệm cho địa phương.

Đắk Lắk ghi nhận 28 ca dương tính bạch hầu tại 5 huyện: Lắk, M’Đrắk, Cư M’gar, Krông Bông và Cư Kuin. Ngành y tế tỉnh Đăk Lăk đã lấy tổng cộng 138 mẫu bệnh phẩm để làm xét nghiệm.

Hiện tỉnh Đắk Lắk đã triển khai tiêm vaccine phòng chống bệnh bạch hầu cho các địa phương có trường hợp dương tính, chuẩn bị tiêm vaccine Td cho 7.500 cán bộ, nhân viên y tế trên toàn tỉnh. Nhân viên y tế là nhóm nguy cơ cao lây nhiễm bạch hầu do thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân.

Gia Lai có 28 ca nhiễm bạch hầu ở 4 xã Hải Yang, Đắk Sơ Mei, Hnol (cùng thuộc huyện Đắk Đoa) và Ia O, trong đó có 1 ca tử vong. Cụ thể xã Hải Yang có 19 ca, xã Đắk Sơ Mei có 3 ca, xã Hnol có 1 ca và xã Ia O có 2 ca. Một ca đã tử vong là cháu V. (4 tuổi, xã Hải Yang) cũng là trường hợp nhiễm bạch hầu đầu tiên trên địa bàn.

Xây dựng kế hoạch tiêm chủng

Trước tình hình dịch bạch hầu ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp tại 4 tỉnh Tây Nguyên, ngành Y tế đang chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, chú trọng công tác tiêm chủng phòng ngừa.

Điển hình tại Đắk Nông, đã điều trị kháng sinh dự phòng đủ liệu trình 7 ngày cho 4123 người tiếp xúc gần, có nguy cơ cao. Đồng thời, tiêm vaccine dự phòng bạch hầu cho 18.945 người thuộc nhóm từ 49 tháng tuổi trở lên có nguy cơ cao.  Lấy 1.221 mẫu xét nghiệm và phun hóa chất khử khuẩn tại các ổ dịch.

Ban chỉ đạo phòng chống bệnh bạch hầu của tỉnh Đắk Nông đi kiểm tra khu vực phát hiện có dịch bệnh

Liên quan đến vấn đề này, đại diện lãnh đạo sở y tế tỉnh Đắk Nông cho biết, sau khi tình hình dịch bệnh bạch hầu diễn biến xấu, số người mắc tăng cao nhất khu vực. UBND các tỉnh giao Sở Y tế triển khai công tác kiểm soát dịch bệnh tại các ổ dịch Bạch hầu, tăng cường các hoạt động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, ổ dịch mới phát sinh.

Cách ly kịp thời các trường hợp mắc, khoanh vùng, thực hiện vệ sinh môi trường, khử khuẩn, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài. Tổ chức điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần và có nguy cơ.

Thực hiện tốt công tác chẩn đoán sớm, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất số biến chứng nặng và tử vong. Bố trí khu vực riêng điều trị Bạch hầu, thực hiện tốt công tác phòng, chống nhiễm khuẩn tại cơ sở khám bệnh chữa bệnh, không để lây nhiễm chéo sang những người mắc bệnh khác. Tổ chức ngay các lớp tập huấn cho cán bộ y tế về công tác giám sát, phòng, chống dịch bệnh, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh.

Trước đó, lãnh đạo Bộ y tế đã vào kiểm tra và chỉ đạo trực tiếp ngành y tế Đắk Nông chống và phòng dịch

Khẩn trương triển khai kế hoạch tiêm vắc xin Bạch hầu theo Quyết định số 3054/QĐ-BYT ngày 15/7/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch tiêm vắc xin phòng chống dịch Bạch hầu tại 04 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông.

Tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo kịp thời công tác phòng chống dịch bệnh; tập trung các biện pháp để chủ động phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh Bạch hầu.

Ngoài ra, đề nghị các cơ quan truyền thông báo chí phối hợp với ngành y tế tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở với ngôn ngữ phù hợp với đồng bào dân tộc để cung cấp các thông tin cần thiết, các khuyến cáo các biện pháp phòng, chống bệnh Bạch hầu để người dân hiểu.

Từ đó, giúp người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống, hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh, đưa các trường hợp nghi ngờ mắc đến ngay các cơ sở y tế để được khám bệnh và điều trị, đặc biệt tuyên truyền rõ lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh và vận động người dân đưa trẻ em đi tiêm vắc xin phòng bệnh Bạch hầu trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng đảm bảo đủ mũi và đúng lịch.

Phạm Hoài