Bà Rịa - Vũng Tàu: Tăng cường đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật về TN&MT
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 19:45, 28/07/2020
Lực lượng chức năng phát hiện một cơ sở chế biến hải sản xả trực tiếp |
Theo báo cáo của Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện nay, tình hình vi phạm pháp luật về tài nguyên, môi trường trên địa bàn tỉnh vẫn đang có diễn biến phức tạp. Cụ thể, trong năm 2019, Công an tỉnh đã phát hiện 149 vụ việc với 151 đối tượng vi phạm. Trong đó, Phòng Cảnh sát Môi trường phát hiện 64 vụ việc với 66 đối tượng vi phạm. Hành vi vi phạm chủ yếu là vi phạm pháp luật về môi trường và vi phạm pháp luật về quản lý, khai thác tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường.
Theo đó, đối với vi phạm pháp luật về môi trường chủ yếu là do các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về môi trường; xả thải gây ô nhiễm môi trường; không xử lý chất thải, các chất độc hại để giảm thiểu ô nhiễm trước khi xả thải vào môi trường; không đầu tư hệ thống xử lý nước thải công nghiệp theo quy định hoặc có nhưng không vận hành hoặc chỉ vận hành để đối phó.
Còn đối vi phạm pháp luật về quản lý, khai thác tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường, các hành vi chủ yếu là do các cơ sở khai thác, kinh doanh khoáng sản không chấp hành nghiêm túc pháp luật bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, nhiều đối tượng lợi dụng các điểm khai thác đều nằm ở các vùng sâu, vùng xa để khai thác trái phép nhằm trục lợi. Ngoài ra, trong năm 2019, cũng đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm thuộc lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học như: chặt phá rừng, vận chuyển, chế biến lâm sản trái phép, buôn bán lâm sản và động vật hoang dã quý hiếm.
Để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật về tài nguyên, môi trường; UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu Công an tỉnh tiếp tục thực hiện công tác nắm bắt tình hình, chủ động tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, ban ngành tăng cường công tác quản lý, công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật về tài nguyên, môi trường trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung vào các tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, các ngành nghề, đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm cao, không để tập trung đông người, khiếu kiện, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường lành mạnh, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, tăng cường lực lượng, phương tiện và phối hợp đấu tranh có hiệu quả đối với hoạt động khai thác khoáng sản không phép, trái phép; xả nước thải sản xuất vượt quy chuẩn kỹ thuật vào môi trường của các cơ sở chế biến hải sản; hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp của các cơ sở sản xuất trong các khu - cụm công nghiệp, khu chế xuất tập trung; kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải vào các hồ cấp nước sinh hoạt, đảm bảo an toàn tuyệt đối nguồn cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; xác lập chuyên án và tập trung lực lượng để đấu tranh với các hành vi phức tạp, nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân.