Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Tài nguyên - Ngày đăng : 14:07, 27/07/2020

(TN&MT) - Trong những năm qua, chính sách đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã đi vào cuộc sống, việc cấp phép hoạt động khoáng sản thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế của đất nước.

Đấu giá quyền khai thác khoáng sản là một điểm mới cơ bản của Luật khoáng sản năm 2010. Theo đó, về nguyên tắc, việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản phải thực hiện trên cơ sở đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Triển khai thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26/3/2012 quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Sau 7 năm triển khai, tại Trung ương (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã đấu giá thành công 6 mỏ khoáng sản; tại các địa phương đã đấu giá thành công trên 350 mỏ, với tổng giá trị ước đạt khoảng 1.500 tỷ đồng góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước khoảng 500 tỷ đồng.

Kết quả đấu giá quyền khai thác khoáng sản còn hạn chế

Theo ông Đào Chí Biền - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế Địa chất và Khoáng sản, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, kết quả đánh giá cho thấy, chính sách đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã đi vào cuộc sống, việc cấp phép hoạt động khoáng sản thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế của đất nước.

Tuy nhiên, kết quả đấu giá quyền khai thác khoáng sản đạt được còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, vai trò của khoáng sản trong phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Đào Chí Biền cho rằng, nguyên nhân là do quy định của pháp luật về đấu giá quyền khai thác khoáng sản chưa gắn kết một cách đồng bộ, phù hợp với quy định về đất đai và quy định về đấu giá tài sản, một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn.

Ông Đào Chí Biền - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế Địa chất và Khoáng sản, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (bên phải)

Một nguyên nhân khác là chưa thu hút được sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân do: trình tự, thủ tục để đưa dự án vào hoạt động sau khi tổ chức đấu giá thành công còn tương đối phức tạp, tốn nhiều thời gian. Sau khi trúng đấu giá tổ chức, cá nhân phải thực hiện hàng loạt các công việc để được cấp phép thăm dò, tổ chức thăm dò, phê duyệt trữ lượng, phê duyệt ĐTM, chủ trương đầu tư, cấp phép khai thác, đền bù giải phòng mặt bằng... Đặc biệt là vướng mắc liên quan đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra, phần lớn các khu vực đưa ra đấu giá chưa có kết quả thăm dò mới dừng ở công tác đánh giá, điều tra nên chưa xác định được chính xác trữ lượng, tài nguyên khoáng sản, độ tin cậy của tài liệu thấp, chưa đánh giá được chính xác giá trị của mỏ.

Đề cập đến nguyên nhân thứ 3, ông Đào Chí Biền cho biết sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương trong quá trình triển khai chưa đồng bộ, đặc biệt là trong công tác rà soát khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, công tác bổ sung quy hoạch.

Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Từ thực tiễn triển khai công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản và kết quả đánh giá 7 năm thực hiện Nghị định số 22/2012/NĐ-CP, nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản, ông Đào Chí Biền đề xuất: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của các ngành, các cấp và nhân dân trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản.

Ngoài ra, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về khoáng sản và pháp luật có liên quan.

Cụ thể, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 22/2012/NĐ-CP phù hợp với Luật đấu giá tài sản, trong đó, bổ sung những quy định có tính chất đặc thù phát sinh trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Đẩy mạnh đấu giá quyền khai thác khoáng sản tạo lợi ích lớn cho nhiều địa phương. Ảnh minh họa

Đề xuất, tham mưu cơ quan nhà nước có thẩm quyền để sửa đổi điểm đ khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 theo hướng có cơ chế nhà nước thu hồi đất đối với các dự án khai thác khoáng sản trúng đấu giá thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Đồng thời, trong thời gian trước mắt, tham mưu Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các địa phương lựa chọn, đưa ra đấu giá những khu vực khoáng sản phù hợp với Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản đã được phê duyệt, đồng thời, dễ tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng nhằm đảm bảo tính khả thi khi triển khai.

Xây dựng cơ chế để tiến tới tạo ra mặt bằng sạch (Nhà nước thu hồi đất, thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng...) trước khi đưa ra triển khai đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Theo ông Đào Chí Biền, cần hạn chế việc cấp phép khai thác khoáng sản thông qua hình thức không đấu giá quyền khai thác khoáng sản; chỉ cho phép các tổ chức, cá nhân có tiềm lực tài chính, năng lực về quản lý tham gia hoạt động khoáng sản.

“Tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương trong quá trình triển khai: khoanh định khu vực khoáng sản đưa ra đấu giá, bổ sung quy hoạch khoáng sản, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân trúng đấu giá triển khai các công việc để được cấp Giấy phép thăm dò, Giấy phép khai thác khoáng sản” - ông Đào Chí Biền kiến nghị.

Mai Đan