Sẵn sàng kịch bản ứng phó với “thiên tai bủa vây”

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 07:09, 27/07/2020

(TN&MT) - Khu vực Bắc Trung bộ vừa phải hứng chịu những đợt nắng nóng, hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn, vừa phải đối mặt với mùa bão lũ cận kề. Bộ NN&PTNT đang nỗ lực ra kịch bản, tìm giải pháp ứng phó để giảm thiểu những tác hại do thiên tai gây ra.

Hạn hán chưa đi, bão lũ lại tới

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, từ đầu năm đến nay lượng mưa ở khu vực Bắc Trung bộ (6 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế) phổ biến từ 200 - 500mm, thấp hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng kỳ từ 30-60%.

Từ tháng 5/2020 nắng nóng liên tục gia tăng trên diện rộng, kéo dài, nhiệt độ cao nhất thực đo trong các đợt nắng nóng từ 38 đến 40 độ C, có nơi trên 40 độ. Nhiệt độ trung bình tháng 6/2020 ở khu vực cao hơn TBNN từ 1,5-2,5 độ; nửa đầu tháng 7/2020, nhiệt độ cao hơn TBNN trên 2,0 độ.

Bắc Trung Bộ chìm trong mưa lũ. Ảnh minh hoạ

Theo ghi nhận, hạn hán đang xảy ra ở Nghệ An là đợt hạn kỷ lục, nặng nhất trong gần 50 năm qua. Hơn 70 ngày không có mưa khiến Nghệ An thiếu nước trầm trọng.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng Cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT) cho biết, lượng mưa ít, cùng với nắng nóng đã khiến cho nhiều hồ thủy lợi trên khu vực Bắc Trung bộ cạn kiệt. Dung tích trữ của các hồ thời điểm đầu mùa khô đạt 85% dung tích thiết kế. Hạn hán đã gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống sinh hoạt người dân và sản xuất nông lâm nghiệp trong cả vùng.

Đặc biệt, đã có khoảng 46.600 hộ dân đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt. Khoảng 8.200 ha đang phải điều chỉnh giãn, dừng và chuyển đổi cơ cấu cây trồng; 25.970 ha diện tích đang bị hạn hán, thiếu nước. Từ đầu mùa khô 2019-2020, khu vực cũng đã xảy ra 48 vụ cháy rừng, xâm nhập mặn diễn biến hết sức phức tạp.

Dự báo, thời gian tới, trên phạm vi toàn quốc, nhiệt độ trung bình tháng 8- 9/2020 phổ biến ở mức cao hơn TBNN cùng thời kỳ khoảng 0,5-1,0 độ, các đợt nắng nóng còn xảy ra trong tháng 8/2020 ở khu vực Bắc Trung bộ. Tổng lượng mưa dự báo trong tháng 8 - 9/2020 ở mức xấp xỉ TBNN cùng thời kỳ; tháng 10/2020 ở mức cao hơn TBNN từ 10-20%...

Bắc Bộ là khu vực đặc biệt khi vừa phải chịu hậu quả nặng nề từ nắng nóng, hạn hán, vừa chống hạn hán, xâm nhập mặn, tới đây phải đối mặt với bão, lũ lụt, ngập nước.

Tái cơ cấu theo hướng "thích ứng hai đầu"

Để thực hiện chống hạn tại khu vực Bắc Trung bộ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, biện pháp quan trọng lúc này là tranh thủ tối đa điều phối nước; tập trung bằng mọi cách từ chuyển nước, bơm cưỡng bức, nạo vét, cho đến dùng các loại máy bơm nhỏ để hỗ trợ cho được 26.000 ha. Áp dụng quy trình tưới luân phiên, ưu tiên cây sắp thu hoạch phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.

“Riêng 46.600 hộ thiếu nước bằng mọi giá không để dân thiếu nước, kể cả phải áp dụng biện pháp chở nước đến cho dân”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Về lâu dài, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng,  phải xác định biến đổi khí hậu sẽ còn gay gắt hơn, nên các địa phương phải đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng thích ứng hai đầu, hạn cũng được mà mưa cũng không bị thiệt hại.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu các đơn vị rà soát lại toàn bộ cơ cấu sản xuất kể cả cây trồng vật nuôi. Rà soát kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai của các tỉnh theo tinh thần của Chỉ thị 42; tuyệt đối không được chủ quan.

Ngoài ra, chú trọng tập hợp kiến nghị của địa phương và làm việc với Bộ Tài chính hỗ trợ kinh phí chống hạn, hỗ trợ kinh phí để sửa chữa 1.200 hồ chứa nước phục vụ cho đời sống và sản xuất.

Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ giảm 30% thiệt hại về người đối với các loại hình thiên tai có cường độ, quy mô tương đương đã xảy ra trong giai đoạn 2015-2020. 100% lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, phổ biến kỹ năng phòng chống thiên tai; chủ động trong dự báo, cảnh báo, phòng chống lũ quét, sạt lở đất tại những khu vực dân cư tập trung và trọng điểm kinh tế xã hội; giảm tổn thất về người và tài sản của nhân dân và nhà nước.

Tuyết Chinh