Quảng Nam: Chủ động phòng ngừa bệnh bạch hầu
Sức khỏe - Ngày đăng : 22:34, 25/07/2020
Trong các tuần đầu tháng 7, tại huyện Nam Trà My phát hiện một số ca bệnh nghi ngờ bạch hầu với các triệu chứng sốt, họng đỏ, có hóc mủ trắng, được chẩn đoán viêm họng mủ và được theo dõi điều trị. Sau khi được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC Quảng Nam) kiểm tra giám sát và lấy mẫu xét nghiệm cho thấy, các ca bệnh này đều âm tính với bệnh bạch hầu
Theo báo cáo từ CDC Quảng Nam, các ca bệnh nghi ngờ đều có tiền sử tiêm chủng không rõ ràng. Hiện tại huyện Nam Trà My đã tiến hành khử khuẩn tại các khu vực nghi ngờ và vùng lân cận, đồng thời tăng cường rà soát lịch tiêm chủng đối với trẻ em trên địa bàn.
Hiện CDC Quảng Nam đang tiếp tục phối hợp cùng các ngành và địa phương nâng cao nhận thức của người dân về bệnh này, đồng thời vận động bà con đưa trẻ đi tiêm vắc xin đầy đủ. Trong tháng 7 và 8, ngành y tế tổ chức bổ sung vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho trẻ 1 tuổi chưa tiêm đủ và rà soát trẻ em 18 tháng tuổi chưa tiêm mũi bổ sung để tiến hành tiêm ngay.
Bệnh bạch hầu hiện đang có diễn biến phức tạp tại một số vùng trên cả nước. Tại Quảng Nam, từ năm 2015 đến nay đã có 30 trường hợp mắc bạch hầu, với các ổ dịch xảy ra tại các huyện miền núi (năm 2015, 2017, 2018) và 5 ca mắc tại Duy Xuyên năm 2019.
Ngành y tế tổ chức tiêm vắc-xin cho người dân ở xã Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên). Nguồn: Báo Nhân dân |
Theo ghi nhận của CDC Quảng Nam, các ca bệnh nghi ngờ bạch hầu có thể xảy ra tại khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, khó khăn trong công tác tiêm chủng, trẻ không được tiêm hoặc tiêm không đủ mũi vắc xin bảo vệ. Với tình hình diễn biến khá phức tạp tại các tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt trong đó có Kon Tum - nơi giáp ranh với Quảng Nam, không loại trừ nguy cơ cao mầm bệnh có thể xâm nhập vào địa bàn các xã giáp biên của tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế cho biết, ngành Y tế tỉnh Quảng Nam đã kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bạch hầu từ việc ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ sở y tế, các địa phương triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh; công tác tiêm chủng đến việc triển khai các hoạt động kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, thực hiện các biện pháp khoanh vùng, cách ly, xử lý ổ dịch triệt để nhằm hạn chế lây lan; sẵn sàng phân tuyến, phân luồng, cách ly, thu dung điều trị tại các địa phương.
Ngành Y tế cũng đã triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine Td (vắc xin tiêm nhắc bệnh bạch hầu) cho đối tượng từ 04 đến 40 tuổi với tỷ lệ trên 95,6%, xây dựng và ban hành các thông điệp truyền thông, khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế nên tình hình dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh đã được khống chế và ổn định.
Đồng thời, tăng cường công tác giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh bạch hầu, thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm bệnh thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, chủ động phương án cách ly, khoanh vùng, xử lý triệt để các trường hợp mắc (nếu có) tránh lây lan dịch bệnh; Củng cố, kiện toàn các Đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương điều tra, xử lý ổ dịch khi cần thiết; Chủ động chuẩn bị dự phòng đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất cần thiết để phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Bên cạnh công tác chuẩn bị, ngành Y tế cũng tăng cường công tác truyền thông các biện pháp về phòng, chống dịch bệnh bạch hầu cho người dân trên địa bàn trên các phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến kiến thức về các biện pháp phòng bệnh, lợi ích tiêm chủng vắc xin bạch hầu để vận động nhân dân chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.... góp phần trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh./.