Đà Nẵng: Hành trình về nguồn tưởng nhớ tới các anh hùng liệt sĩ

Sức khỏe - Ngày đăng : 17:05, 25/07/2020

(TN&MT) - Hướng tới kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2020), sáng ngày 25/7, Thành Đoàn Đà Nẵng phối hợp với Hội Cựu Chiến binh TP. Đà Nẵng tổ chức chương trình “Hành trình về nguồn”, giao lưu với các nhân chứng lịch sử tại Khu căn cứ Cách mạng K20.

Các bạn đoàn viên, thanh niên viếng hương và đặt vòng hoa tại bia ghi danh Liệt sĩ Bắc Mỹ An

Tại chương trình, Ban Thường vụ Thành Đoàn đã tổ chức viếng hương và đặt vòng hoa tại bia ghi danh Liệt sĩ Bắc Mỹ An, tổ chức chương trình giao lưu giữa nhân chứng lịch sử với thế hệ trẻ với chủ đề “Một thời hoa lửa” và trao 20 suất quà cho các cô chú Hội Cựu Chiến binh thành phố Đà Nẵng.

Khu căn cứ cách mạng K20 là tên gọi do Quận ủy Quận III đặt để làm mật hiệu liên lạc thời chống Mỹ nay thuộc Đa Mặn 5, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng. Với diện tích chỉ có khoảng 3km2 với 54 nóc nhà, K20 có lúc đẵ cho cả 1 đại đội ẩn náu, làm khu vực hậu cần, cứu thương…

Bác Trần Ngọc Trung và cô Huỳnh Thị Thơ hồi tưởng về thời kỳ đấu tranh để bảo vệ quân đội tại khu căn cứ K20

Là người con của mảnh đất K20, người sát cánh trong những năm tháng “mưa bom, bão đạn”, người Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, bác Trần Ngọc Trung cho biết, sau hiệp định Giơnevơ (1954), đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm đã cho xây nhiều đồn bốt quanh khu Đa Mặn làm thành một vành đai quân sự khép kín kìm kẹp nhân dân và ngăn cản lực lượng cách mạng từ bên ngoài. Có lúc chúng tập trung tới 6.000 quân. Để xây dựng căn cứ, chuẩn bị ứng phó với quân viễn chinh Mỹ sắp đổ bộ vào miền Nam nước ta, theo chỉ đạo của Thành ủy, Quận ủy Quận 3 quyết định xây dựng khối Đa Mặn thành một “căn cứ lõm”, lấy mật danh là K20. 

Những câu chuyện của các nhân chứng lịch sử khiến cho người nghe vô cùng cảm kích và khâm phục

“Vùng đất “thép” này trở thành địa điểm phát triển phong trào đấu tranh cách mạng ngay trong lòng địch, điểm nối mạch liên lạc giữa cách mạng địa phương với vùng lân cận của thành phố và tỉnh Quảng Nam. K20 còn là bàn đạp quan trọng để lực lượng vũ trang của ta đột kích vào các cứ điểm quân sự của địch”- bác Trung nói.

Còn cô Huỳnh Thị Thơ (SN 1952), đã tham gia cách mạng từ thuở còn là nhi đồng, cô đã không ít lần bị địch bắt và tra tấn dã man, nhưng với khí tiết của người cách mạng, đã giúp cô vững vàng trong thử thách. Tháng 10/1972, đồng chí Trần Chanh - Phó Bí thư Quận ủy Quận III đang trong cuộc họp tại nhà đồng chí Trần Thị Hỷ, là cơ sở cách mạng của ta tại khu căn cứ cách mạng K20. và một số đồng chí khác để nghe báo cáo tình hình. Đang họp thấy có mùi thuốc lá thơm, đồng chí Trần Chanh bảo chị Thơ ra xem có phải cha của mình về không. Vừa bước ra đã thấy một toán lính ngụy, thấy trên áo tên lính thêu chữ Diệu, cô Thơ nhanh trí vội nói thật to để đánh động cho mọi người trong nhà “Chào thiếu úy Diệu, lâu quá không thấy thiếu úy qua nhà chơi”, rồi giả vờ ôm vai chào hỏi tên thiếu úy, tạo cơ hội cho mọi người trốn thoát.

Được sống trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc những ĐVTN, những thế hệ đi sau luôn biết ơn sâu sắc tới những mất mát, hi sinh của lớp người đi trước và lấy đó làm động lực để xây dựng tổ quốc thêm giàu mạnh

Thấy có bóng người trong nhà chạy ra phía sau, tên Diệu giương súng để bắn, cô Thơ nhanh chóng đưa tay đẩy nòng súng lên trời, một loạt đạn nổ nhưng không bắn trúng một ai, các đồng chí của ta chạy thoát. Lúc đó, đám lính không nắm rõ tình hình tưởng bị ném lựu đạn nên cả bọn địch nằm rạp xuống nhân cơ hội đó, cô Thơ đã chạy qua nhà hàng xóm, chụp lấy con dao xắt chuối cắt đứt mái tóc dài của mình, cải trang đánh lừa địch, chạy thoát vào cơ sở ẩn náu. Người nữ giao liên nhanh trí, kiên cường ấy đã được nhà nước phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Những câu chuyện của các cô, chú là nhân chứng sống của lịch sử khiến cho các bạn đoàn viên, thanh niên mường tượng được một thời kỳ đấu tranh đỏ lửa để giành lại độc lập, tự do. Những con người gan góc, những anh hùng bất diệt đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho lớp trẻ học tập, noi theo. Tại đây, ngay tại khu căn cứ K20, những ĐVTN, những thế hệ đi sau được hưởng bình yên, ấm no, hạnh phúc luôn tự hào về dân tộc anh hùng, biết ơn sâu sắc tới những mất mát, hi sinh của lớp người đi trước và lấy đó làm động lực để xây dựng tổ quốc thêm giàu mạnh.

Phạm Yến