Phát động thi đua hoàn thành Dự án cơ sở hạ tầng Trung tâm Điện lực Quảng Bình

Kinh tế - Ngày đăng : 15:11, 25/07/2020

(TN&MT) - Với quy mô và tầm quan trọng của Dự án, việc hoàn thành đúng tiến độ có ý nghĩa ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc cung cấp than chạy thử nghiệm và phát điện các tổ máy Nhiệt điện Quảng Trạch I trong năm 2024, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Ngày 25/7/2020, tại Cảng biển Mũi Độc, khu kinh tế Hòn La, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ban Quản lý Dự án Điện 2 tổ chức Lễ Triển khai thi công và phát động thi đua hoàn thành xây dựng cảng nhập than và đê chắn sóng của Dự án cơ sở hạ tầng thuộc Trung tâm Điện lực Quảng Trạch.

EVN yêu cầu Ban QLDA Điện 2 và các đơn vị thi công, giám sát  tiếp tục cố gắng nỗ lực tối đa

Trung tâm điện lực Quảng Trạch bao gồm 3 dự án, Trong đó dự án Cơ sở hạ tầng đóng vai trò thực hiện đầu tư xây dựng các hạng mục hạ tầng nhằm đảm bảo triển khai xây dựng thi công và hạ tầng cung cấp than phục vụ vận hành cho các Dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I và Quảng Trạch II. Dự kiến, Cảng nhập than khi đi vào vận hành có thể tiếp nhận tàu có tải trọng đến 100.000 tấn, mỗi năm cung cấp 3,6 triệu tấn than. Với quy mô và tầm quan trọng của Dự án, việc hoàn thành đúng tiến độ có ý nghĩa ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc cung cấp than chạy thử nghiệm và phát điện các tổ máy Nhiệt điện Quảng Trạch I trong năm 2024, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Phát biểu tại buổi Lễ, ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết: Tập đoàn Điện lực Việt Nam được Đảng, Chính phủ giao nhiệm vụ giữ vai trò chính trong việc cung cấp điện ổn định, an toàn cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, phục vụ cho đời sống sinh hoạt của nhân dân. Với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2016-2030, tốc độ phát triển nguồn điện phải đạt khoảng 11%/năm. Theo quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến năm 2020 tổng công suất của hệ thống điện cần phải đạt khoảng 60.000MW, đến năm 2030 khoảng 129.000MW. Do đó, việc đầu tư phát triển các dự án nguồn điện là rất cấp bách trong thời gian tới. Trung tâm điện lực Quảng Trạch có tổng công suất 2400MW (bao gồm 2 nhà máy, mỗi nhà máy gồm 2 tổ máy với công suất 600MW) nằm trong danh sách các nguồn điện thuộc Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia (Tổng sơ đồ VII điều chỉnh) giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 và được Thủ tướng Chính phủ giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện đầu tư xây dựng.

Các đại biểu nhấn nút tại Lễ phát động 

Hạng mục Cảng nhập than và đê chắn sóng của Dự án cơ sở hạ tầng thuộc Trung tâm Điện lực Quảng Trạch có tổng mức đầu tư là 3500 tỷ đồng, do tổ hợp đơn vị thi công là Liên danh Công ty cổ phần tư vấn và xây dựng Phú Xuân - Công ty cổ phần tập đoàn Thái Bình Dương - Công ty cổ phần tư vấn xây dựng công trình thủy Wacose.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam yêu cầu Ban QLDA Điện 2 và các đơn vị thi công, các đơn vị giám sát trên công trường tiếp tục cố gắng nỗ lực tối đa, phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành, các địa phương, các nhà thầu, các đơn vị tư vấn, thi công xây lắp triển khai dự án theo đúng các cam kết trong Hợp đồng đã ký, phấn đấu đảm bảo dự án hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng phục vụ sản xuất điện của Trung tâm Điện lực Quảng Trạch trong giai đoạn tới.

Dự án Cơ sở hạ tầng bao gồm các mục công trình chính như sau:

Bến cập tàu: Xây dựng 02 bến quy mô đáp ứng tàu có tải trọng 100.000 DWTcó chiều dài bến 300m, chiều rộng bến 34m, cao độ bến +5,5m, hệ thống dầm BTCT M400 đổ tại chỗ, bản mặt có kết cấu BTCT M400 bán lắp ghép, chiều dày bản mặt cầu 40cm, phủ lớp mặt bê tông dày 5 đến 10 cm và các hệ thống trang thiết bị trên bến;

Cầu dẫn: Sử dụng hệ thống dầm BTCT dự ứng lực, phía dưới là hệ bệ trụ đỡ BTCT cao 02m, rộng 5,5m. Chiều dài cầu dẫn cho bến than NMNĐ Quảng Trạch I khoảng 894m, cho NMNĐ Quảng Trạch II khoảng 636m.

Luồng tàu và vũng quay tàu: Được tính toán đảm bảo cho tàu trọng tải tới 100.000DWT, bố trí 10 phao báo hiệu luồng tàu để đảm bảo an toàn hành hải.

Đê chắn sóng: Tổng chiều dài tuyến đê khoảng 1.270m, bao gồm 2 đoạn: Đoạn 1 nối thẳng từ Mũi Độc ra biển theo hướng Đông dài khoảng 670m; Đoạn 2 nối tiếp đoạn 1 theo hướng song song với tuyến mép bến dài khoảng 600m. Kết cấu đê chắn sóng dạng mái nghiêng, cao độ đỉnh đê +8,5m, mái dốc thân đê m = 4/3, chiều rộng đỉnh đê 8,8m-9,5m, riêng đoạn đầu đê rộng 16,1m. Lớp khối phủ phía biển có trọng lượng khối khoảng 11,8T - 14,8T; phía trong bến cảng có trọng lượng khối khoảng 9,4T - 11,8T; riêng đoạn đầu đê trọng lượng khoảng 21,2T. Hình dạng khối phá sóng kiểu khối Accropode hoặc tương tự.

 

Kông Nguyên