Những lưu ý khi ghi tên trên sổ đỏ
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 16:03, 24/07/2020
Nguyên tắc ghi tên, xác định người đứng tên "sổ đỏ"
Theo quy định pháp luật, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được xem là chứng thư có giá trị pháp lý để nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Giấy chứng nhận này có thể được ghi tên dưới hai hình thức đó là: "sổ đỏ" hộ gia đình và sổ đỏ ghi tên cá nhân/tổ chức (nếu là tổ chức, doanh nghiệp là chủ sở hữu).
Sổ đỏ là chứng thư có giá trị pháp lý để nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất... |
Việc ghi nhận tên của cá nhân, tổ chức hay sổ đỏ ghi hộ gia đình trên giấy chứng nhận được xem là căn cứ xác lập và bảo vệ quyền cho người sử dụng đất. Hay nói cách khác đây là căn cứ chứng minh chủ sở hữu bất động sản là ai, bảo vệ quyền lợi cho chủ sở hữu bất động sản hợp pháp trong vấn đề sử dụng và định đoạt tài sản đó.
Hiện nay trên thực tế có rất nhiều nguyên nhân và mâu thuẫn kiến cho nhiều cá nhân và tổ chức có ý định sẽ nhờ người khác đứng tên hộ trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, điều này đã làm phát sinh nhiều mâu thuẫn trong xã hội vì khi chủ sở hữu thực thụ muốn đòi lại thì người đang đứng tên hộ họ không chịu trả lại.
Những rủi ro
Việc nhờ người khác mua, đứng tên (kể cả trường hợp chỉ đứng tên trên giao dịch viết tay) tiềm ẩn một số rủi ro. Về chủ quan, người được nhờ nếu có ý định chiếm đoạt sẽ không chịu sang tên, trả lại tài sản, phủ nhận giao dịch nhờ đứng tên. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất trong các tranh chấp liên quan nhờ đứng tên.
Nếu nhờ người khác mua, đứng tên chủ tài sản cần lập thành văn bản có người làm chứng, giữ giấy tờ đăng ký sở hữu tài sản sau khi giao dịch chuyển nhượng hoàn tất. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu chiếm đoạt, bạn cần làm ngay đơn gửi tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền để có biện pháp can thiệp, ngăn chặn. Nếu vụ việc có dấu hiệu hình sự làm đơn tố cáo gửi cơ quan điều tra.
Một rủi ro khác là người đứng tên trên "sổ đỏ" chết và theo quy định tài sản đó đương nhiên trở thành di sản của người đã chết và được chia thừa kế theo quy định. Những người thừa kế lại không chịu thừa nhận về nguồn gốc thực sự của tài sản đó cho dù họ biết hay không biết giao dịch nhờ đứng tên này. Hoặc trong thời gian này, xảy ra việc ly hôn và người chồng hoặc vợ yêu cầu chia tài sản chung do tài sản này phát sinh trong thời kỳ hôn nhân.
Rủi ro nữa là khi người được nhờ đứng tên có một nghĩa vụ tài sản với một người thứ ba và theo quyết định của một cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tài sản đó bị kê biên để thực hiện nghĩa vụ… Khi đó, quyền lợi của người chủ thực sự sẽ không được đảm bảo, thậm chí hoàn toàn mất đi quyền lợi đáng lẽ được hưởng với tư cách là chủ sở hữu của bất động sản…
Đáng chú ý, khi nhờ người đứng tên trên giấy chứng nhận thì nhà nước đã thừa nhận quyền sử dụng/sở hữu của người đó đối với nhà, đất, trong khi thực tế họ không phải là chủ dụng/sở hữu thực sự của nhà đất. Chính vì vậy, cá nhân, tổ chức phải thật sự cân nhắc trước khi nhờ người khác đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mình để tránh những rủi ro không đáng có.