Quản lý an toàn các chất hữu cơ khó phân hủy và hóa chất nguy hại tại Việt Nam
Môi trường - Ngày đăng : 15:06, 24/07/2020
Ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), Giám đốc của dự án phát biểu tại Hội thảo |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), đồng thời là Giám đốc dự án, ông Hoàng Văn Thức cho biết: Nhằm triển khai các ưu tiên của Chính phủ về tăng cường quản lý an toàn hóa chất, dự án Quản lý an toàn các hóa chất hữu cơ khó phân hủy (POP) và hóa chất huy hại (PTS) tại Việt Nam được triển khai từ năm 12/2015 - 7/2020. Mục tiêu của dự án nhằm tăng cường quản lý, hướng tới giảm thiểu các rủi ro môi trường và sức khỏe con người thông qua việc giảm phát thải các chất POP và PTS. Sau gần 5 năm hoạt động, dự án đã đảm bảo mục tiêu và đạt được những kết quả tích cực.
Trong đó, dự án đã góp phần tăng cường chính sách quản lý các chất POP và PTS ở Việt Nam; hỗ trợ xây dựng quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam (QCVN), bao gồm một số tiêu chí, hướng dẫn kỹ thuật về quản lý an toàn các chất POP và PTS cho một số ngành công nghiệp cũng như các khu vực ô nhiễm POP.
Bà Sitara Syed - Phó Trưởng Đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam |
“Bên cạnh đó, hỗ trợ xử lý các khu vực ô nhiễm tồn lưu; điều tra phát thải thủy ngân và đưa ra dữ liệu phát thải của các ngành công nghiệp này. Từ đó, xây dựng lộ trình giảm phát thải POP và thủy ngân cho các nhà máy. Đồng thời, dự án đã hỗ trợ xây dựng các quy định về Đăng ký chuyển giao và phát thải chất ô nhiễm (PRTR), cùng với các hướng dẫn kỹ thuật về việc thực hiện PRTR cho một số ngành công nghiệp quan trọng”, ông Hoàng Văn Thức nhấn mạnh.
Ngoài ra, dự án đã tích cực nâng cao nhận thức về tác động của việc phát thải các chất POP, PTS, thủy ngân và các hóa chất nguy hại khác và sự cần thiết phải nỗ lực giảm thiểu các hoạt động phát thải này ra môi trường.
Bà Sitara Syed - Phó Trưởng Đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam chia sẻ: Việt Nam rất chủ động và tích cực trong công tác quản lý các chất POP và hóa chất. Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy từ khá sớm và trở thành thành viên thứ 14 của Công ước từ năm 2002. Dự án này là một trong những nỗ lực đáng khen ngợi nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến chất POP và PTS tại Việt Nam.
Quang cảnh buổi hội thảo |
“Sau 5 năm thực hiện, dự án đã đem lại nhiều tác động tích cực, góp phần giảm thiểu rủi ro và chi phí liên quan trong vấn đề quản lý an toàn các chất ô nhiễm như hỗ trợ hoàn thiện các quy định về quản lý POP và PTS trong Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi, nâng cao năng lực giám sát các chính sách quản lý POP và PTS, xử lý các khu vực ô nhiễm và hoàn thành kiểm kê các nguồn thủy ngân”, bà Sitara Syed cho hay.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các cơ quan quản lý đã chia sẻ về những thành tựu, kết quả dự án đạt được. Đồng thời, trao đổi, thảo luận về định hướng duy trì và nhân rộng các kết quả này trong tương lai.
Dự án quản lý an toàn các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và hóa chất nguy hại tại Việt nam, do Bộ TN&MT làm cơ quan chủ quản; Tổng Cục Môi trường là đơn vị chủ Dự án; Cục Hóa Chất của Bộ Công thương là đơn vị đồng thực hiện. Dự án được Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ, ủy thác thông qua Chương trình phát triển liên hiệp quốc (UNDP).