Hà Nội vẫn còn nguy cơ đối mặt với "bạo động rác"

Môi trường - Ngày đăng : 17:13, 23/07/2020

(TN&MT) – Những ngày qua, người dân khu vực bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) tiếp tục ngăn không cho xe chở rác đi vào khu vực chôn lấp rác thải (đây là lần thứ 7 trong vòng 3 năm qua). Tình trạng này chắc chắn sẽ còn tái diễn, bởi các bãi rác của Hà Nội hiện đã quá tải trong khi các dự án xử lý rác đều chậm tiến độ.

Nhà máy xử lý rác thiếu và yếu

Theo Quy hoạch quản lý chất thải rắn đến năm 2020, Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn chỉ tiếp nhận và xử lý chất thải rắn sinh hoạt khoảng 4.500 tấn/ngày; Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây khoảng 700 tấn/ngày. Đến nay 2 bãi rác này đã quá tải; hiện mỗi ngày bãi rác Nam Sơn phải tiếp nhận khoảng 5.000 tấn, bãi Xuân Sơn (Sơn Tây) khoảng 1.200 tấn.

Để xử lý số lượng rác trên, Hà Nội đã đưa vào vận hành Nhà máy đốt rác Nedo có công suất đốt rác đạt 75 tấn mỗi ngày/đêm (Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn); Khu xử lý chất thải Sơn Tây (công suất 700 tấn/ngày-đêm); Xử lý chất thải Xuân Sơn (công suất 150 tấn/ngày-đêm); Xử lý chất thải tại Phương Đình - Đan Phượng (công suất 200 tấn/ngày-đêm). Tuy nhiên, một số khu xử lý rác hoạt động không hiệu quả do công nghệ chưa hợp lý, thiết bị xuống cấp, không bảo đảm công suất thiết kế; thường xuyên phải dừng để thực hiện bảo trì, sửa chữa…

Bãi rác Nam Sơn đang  trong tình trạng quá tải

Bãi rác Nam Sơn đang trong tình trạng quá tải

Trước áp lực xử lý rác thải sinh hoạt, TP Hà Nội đã kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xử lý rác. Đã có 5 dự án được thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư. Đó là, 2 dự án tại Khu xử lý chất thải Đồng Ké (huyện Chương Mỹ và Phù Đổng (huyện Gia Lâm); Dự án Nhà máy Điện rác Sóc Sơn (đặt tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn); Dự án Xử lý rác thu hồi điện Xuân Sơn; Dự án Khí hóa rác thải sinh hoạt thành điện năng. Tuy nhiên nhưng các dự án này đều triển khai khá chậm, khó hoàn thành mục tiêu TP đặt ra là đưa toàn bộ 5 dự án này mới đưa vào hoạt động vào năm 2021.

150.000m3 chưa được xử lý

Không chỉ có rác, Hà Nội  còn phải đối mặt với khoảng 150.000m3 nước rỉ rác từ các bãi chôn lấp chưa được xử lý. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến người dân chặn xe rác vào khu Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn. Bởi trước đó, Liên danh Phú Điền - SFC đã dừng vận hành Trạm xử lý nước rỉ rác tại bãi rác Nam Sơn dẫn đến nước rỉ rác bị ứ đọng, bốc mùi hôi khó chịu, ảnh hưởng môi trường sống của người dân trong khu vực.

Theo TS. Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cứ 1m3 rác thải được chôn xuống đất sẽ sinh ra 1,3m3 nước rỉ rác gây ô nhiễm, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Những bãi rác sử dụng công nghệ chôn lấp nhưng không làm tầng lót đáy tốt sẽ dẫn đến hiện tượng nước rác rỉ, gây mùi hôi thối. Trong khi đó Hà Nội có tới 85 - 90% số bãi chôn lấp rác không hợp vệ sinh.

Trao đổi với báo chí về việc xử lý rác và nước rỉ rác, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, thành phố đang đề xuất với Chính phủ cho cơ chế phù hợp để khắc phục việc xử lý lượng nước rỉ rác này để thời tiết nắng nóng không gây bốc mùi ảnh hưởng đời sống người dân. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy điện rác Nam Sơn với công suất 4.000 tấn/ngày đêm. Tuy nhiên, ông Chung cũng nhận định: Ngay cả khi Nhà máy này đi vào hoạt động thì vẫn còn khoảng 5% lượng rác thải phải chôn lấp.

Đến nay, sự việc người dân chặn xe rác đã được chính quyền thành phố giải quyết. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, khủng hoảng bãi rác Nam Sơn đã diễn ra và lặp đi lặp lại trong suốt nhiều năm qua nhưng khi xảy ra sự cố Hà Nội chưa có giải pháp căn cơ, rác thải vẫn chỉ được phân luồng để chuyển rác về các bãi chôn lấp mới. Nếu TP Hà Nội không đẩy nhanh tiến độ các dự án, xây dựng hệ thống chính sách phù hợp, thời gian tới sẽ liên tục đối mặt với “bạo động rác”.

 

 

Mai Chi