Tiềm năng điện gió

Kinh tế - Ngày đăng : 11:20, 23/07/2020

(TN&MT) - Cùng với ánh nắng mặt trời, gió là nguồn năng lượng vô tận, một báu vật mà lâu nay con người ít dùng đến.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung các dự án điện gió vào quy hoạch phát triển điện lực theo đề nghị trước đó của Bộ Công Thương với lý do nhiều nguồn điện than đang bị chậm tiến độ.

Theo tính toán nhu cầu của Bộ Công Thương, đến năm 2025, nguồn điện gió cần bổ sung quy hoạch ở phương án cao là 11.630 MW,

chiếm đến 20% tổng nguồn điện cả nước. Tức là ngoài 4.800 MW đã được bổ sung quy hoạch thì có thêm khoảng 7.000 MW dự án mới được tiếp tục bổ sung.

Cùng với phát triển các dự án điện gió, Bộ Công Thương cũng đề xuất hàng loạt dự án truyền tải điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện để đồng bộ giải tỏa công suất điện gió.

Với bờ biển dài hơn 3.260 km, từ các tỉnh duyên hải miền Trung: Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên, Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, ra đến Thanh Hóa, Hải Phòng, tiềm năng điện gió của Việt Nam là rất lớn. Số liệu khảo sát của Ngân hàng Thế giới cho thấy, hàng năm, lượng ánh nắng mặt trời của vùng này là từ 2.000 giờ đến 2.500 giờ và riêng sức gió tạo nên điện, nếu quy thành công suất điện dùng là 513.360 megawatt (MW). Việt Nam có khoảng 17.400 ha được đánh giá là thích hợp cho các dự án, công trình xây dựng phát triển năng lượng gió. Ninh Thuận và Bình Thuận có tiềm năng phong điện lớn nhất.

Ảnh minh họa

Ưu thế dễ thấy nhất của phong điện là không tiêu tốn nhiên liệu, không gây ô nhiễm môi trường. Việc lắp đặt các trạm phong điện còn có ưu điểm là dễ chọn địa điểm và tiết kiệm đất xây dựng. Ưu điểm này còn thể hiện ở việc tránh được chi phí xây dựng đường dây tải điện do các trạm phong điện có thể đặt gần nơi tiêu thụ. Ngày nay, phong điện đã trở nên phổ biến, thiết bị được sản xuất hàng loạt, công nghệ lắp ráp đã hoàn thiện. Chi phí cho việc hoàn thành một trạm phong điện hiện nay đã giảm rất nhiều, so với khoảng 30 năm trước.

Những mỏm núi, đồi hoang không sử dụng được cho nông nghiệp, công nghiệp cũng có thể đặt được các trạm phong điện. Trường hợp này không cần làm trụ đỡ cao, tiết kiệm đáng kể chi phí xây dựng. Trên mái nhà cao tầng cũng có thể lắp đặt trạm phong điện, cung cấp điện cho các nhu cầu trong nhà và thậm chí cho cả thành phố. Ngay tại các khu chế xuất, khu công nghiệp cũng có thể đặt các trạm phong điện. Nếu tận dụng không gian phía trên các nhà xưởng để đặt các trạm phong điện thì sẽ giảm tới mức thấp nhất diện tích đất xây dựng và chi phí làm đường dây diện.

Chẳng hạn, điện khí hóa ngành đường sắt là xu hướng tất yếu của các nước công nghiệp. Ở Việt Nam, chỉ cần đặt với khoảng cách 10 km một trạm phong điện với công suất 4.800 KW dọc các tuyến đường sắt là đủ điện năng cho tất cả các đoàn tàu hoạt động.

Ở nhiều quốc gia, nguồn năng lượng tái tạo được xây dựng để thay thế cho nguồn thiếu hụt và phải nhập khẩu. Do đó, dự án năng lượng tái tạo được xây dựng nhằm phục vụ nhu cầu tại chỗ. Còn ở Việt Nam, các dự án điện mặt trời và điện gió được xây dựng ở những khu vực đáp ứng điều kiện tự nhiên, đất đai nhưng lại không có nhu cầu sử dụng lớn. Vì vậy, nhiều chuyên gia ngành điện lo ngại đến vấn đề vỡ quy hoạch và thiếu lưới truyền tải.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho hay tính đến tháng 3/2020, có 78 dự án đã được bổ sung vào Quy hoạch Phát triển điện lực với công suất khoảng 4.880 MW; 11 dự án điện gió đã phát triển với tổng công suất 377 MW; 31 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện với tổng công suất 1.662 MW, kế hoạch đi vào vận hành trong năm 2020 và 2021.

Ngoài ra, còn gần 250 dự án điện gió, có tổng quy mô công suất tới 45.000 MW đang đề nghị bổ sung quy hoạch. Đây là con số thể hiện sự quan tâm rất lớn của các chủ đầu tư về loại hình năng lượng này.

Nếu các dự án này trở thành hiện thực, Việt Nam sẽ có những công viên cánh quạt điện gió. Không chỉ có các địa phương ven biển, tại các hải đảo như Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), Phú Quý (tỉnh Bình Thuận), Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang)… hay vùng núi cao Mẫu Sơn (tỉnh Lạng Sơn) cũng vươn lên những cánh quạt khổng lồ đen lại nguồn năng lượng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

 

Ngọc Lý