“Săn” đất làm nhà vườn
Đất đai - Ngày đăng : 11:18, 23/07/2020
Bỏ phố về quê
Thị trường bất động sản (BĐS) đã từng chứng kiến xu hướng mới khi đất nông nghiệp bỗng dưng đắt hàng, tăng giá do nhiều người thành thị đổ về các tỉnh lân cận tìm mua đất làm nhà vườn. Cùng với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, trào lưu bỏ phố về quê đã khiến thị trường đất nông nghiệp được quan tâm hơn.
Phong trào này đã khiến thị trường đất nông nghiệp như đất lúa, đất vườn ở các tỉnh như: Lâm Đồng, Long An, Tiền Giang,... tăng nhanh thời gian qua bất chấp dịch bệnh. Trong khi đó, đất nông nghiệp ở các khu vực gần TP.HCM, như: Nhơn Trạch (Đồng Nai), Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu)… đều lên rất cao, khoảng 2 - 2,5 tỷ đồng/sào. Trong đó, Lâm Đồng là địa điểm được nhiều khách hàng lựa chọn nhất, giao dịch sôi động nhất là khu vực Đà Lạt, Đức Trọng, Bảo Lâm.
Theo giới đầu tư BĐS, Đồng Nai và Lâm Đồng đang là hai địa phương đang được người mua săn lùng đất nông nghiệp nhiều nhất. Ngoài những khách hàng đến từ TP.HCM, thì còn có rất đông người mua đến từ Hà Nội. Chính vì vậy, giá đất nông nghiệp ở hai vùng này liên tục thiết lập mặt bằng giá mới. Cụ thể, trước khi có dịch Covid-19, giá đất vườn ở Đồng Nai chỉ từ 600 - 700 triệu đồng/1.000 m2, nhưng nay mức giá giao dịch từ 700 - 1,1 tỷ đồng/1.000 m2. Hay tại xã Xuân Thọ, TP. Đà Lạt, giá 1.000 m2 nông nghiệp trước đây có giá khoảng 700 triệu đồng, hiện đã lên trên 3 tỷ đồng, còn những khu đất gần Quốc lộ, giá đến trên 6 tỷ đồng/1.000 m2.
Ông Nguyễn Thành Nam, nhà đầu tư BĐS chuyên nghiệp cho biết: Trào lưu mua đất làm nhà vườn bắt đầu rộ lên từ năm 2019. Đây là một phân khúc đầu tư an toàn, giống như của để dành từ nguồn tài chính có sẵn, không lệ thuộc ngân hàng. Hiện nay, đời sống lên cao, nhiều người sở hữu xe hơi riêng nên việc ra các tỉnh lân cận ven TP.HCM mua đất làm vườn, trang trại… với giá từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng để tự giãn cách xã hội, tránh xa xô bồ của thành thị. Vì thế, đầu tư vào đất vườn, trang trại… đã và sẽ trở thành một xu hướng mới của các nhà đầu tư.
“Săn” đất làm nhà vườn đang trở thành trào lưu của người có tiền và nhà đầu tư |
Của để dành
Theo các chuyên gia BĐS, từ năm 2019, giới nhà giàu đô thị có thú vui vào mỗi dịp cuối tuần rời bỏ thành phố náo nhiệt về trang trại cùng trồng rau, câu cá vui thú điền viên.Tuy vậy, trào lưu này chỉ rầm rộ trong một thời gian ngắn rồi sau đó nhanh chóng nguội lạnh. Nguyên nhân do việc mua đất riêng lẻ làm nhà vườn rất lãng phí vì chủ sở hữu chỉ có thể ở đó vào ngày cuối tuần hoặc các dịp lễ tết, nghỉ hè. Phần lớn thời gian không sử dụng và phải thuê người trông coi, rất bất tiện.
Nhưng gần đây, trào lưu săn đất nông nghiệp làm nhà vườn lại nóng lên do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các kênh đầu tư như vàng, chứng khoán không còn an toàn với nhà đầu tư. Hơn nữa, hạ tầng giao thông kết nối với các tỉnh lân cận TP.HCM đang dần được nâng cấp, mở rộng để kết nối đồng bộ toàn vùng, nên nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu chuyển dòng tiền nhàn rỗi sang mua đất nông nghiệp làm nhà vườn vừa để làm nơi nghỉ ngơi thư giãn, vừa chờ đất lên giá.
Trước sự thay đổi theo xu hướng mới này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) khuyến cáo: Trong bối cảnh thị trường BĐS còn nhiều biến động hiện nay, người mua cần thận trọng và tìm hiểu kỹ càng các khu đất dự định mua, cũng như tiềm năng tăng giá thực sự của khu vực. Và nếu với số vốn còn khiêm tốn thì nên xác định với các vùng đất giá còn mềm, tiềm năng để tăng giá còn cao trong tương lai. Người mua cũng cần phải xác định rõ nhu cầu của mình khi mua đất làm nhà vườn, nếu không sẽ đầu tư sai lầm và mắc kẹt.
“Nếu mua đất làm nhà vườn ven đô để ở thường xuyên thì người mua nên mua đất nền rộng, tự xây và quản lý theo nhu cầu của mình. Nếu kỳ vọng khả năng tăng giá và cho thuê sinh lợi thì người mua nên chọn dự án khu nghỉ dưỡng được phát triển chuyên nghiệp, tích hợp nhiều tiện ích phục vụ du lịch và có đơn vị vận hành uy tín. Tuy vậy, người mua sẽ không được phép cá nhân hoá ngôi nhà của họ mà phải tuân thủ theo quy hoạch chung của toàn dự án”, ông Lê Hoàng Châu phân tích.
Ông Nguyễn Văn Hậu, CEO Asian Holding cho rằng: “Người Việt Nam luôn có thói quen tích trữ tài sản bất động sản. Thời gian qua, do có nhiều vụ lừa đảo bán đất nền xảy ra, nhiều người bị mất tiền nên người dân có tâm lý lo sợ khi mua đất nền. Còn những phân khúc khác như biệt thự hay nhà phố đòi hỏi số tiền đầu tư lớn, căn hộ chung cư chủ yếu để ở, khả năng sinh lời thấp. Trong khi đó, đất nông nghiệp, đất vườn lúc nào cũng có nhu cầu. Đặc biệt, trong mùa dịch, nhiều người có ngôi nhà ở quê hay ở các tỉnh để đi về, khiến cho nhiều người nghĩ đến phân khúc này nhiều hơn”.