Lạng Sơn gặp khó trong hoạt động đo đạc và bản đồ
Đất đai - Ngày đăng : 11:18, 23/07/2020
Để thực hiện công tác đo đạc và bản đồ, Sở TN&MT Lạng Sơn đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các Chỉ thị, Quyết định liên quan đến công tác đo đạc và bản đồ. Đồng thời, chủ động ban hành nhiều văn bản, hướng dẫn thực hiện các hoạt động về đo đạc và bản đồ.
Đến nay, Lạng Sơn đã hoàn thành công tác đo đạc lập bản đồ địa chính đối với 200 xã, phường, thị trấn. Hoàn thành công tác xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính 165/200 xã, phường, thị trấn. Công tác đo đạc lập bản đồ đã góp phần quan trọng vào công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, góp phần tăng cường quản lý Nhà nước về đất đai, tạo điều kiện để người sử dụng đất thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định, hạn chế tranh chấp, lấn chiếm đất đai, đưa đất đai trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo ông Ngô Viết Hải, Phó Giám đốc Sở TN&MT Lạng Sơn, công tác đo đạc và bản đồ trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, tuyên truyền ở cấp cơ sở về quản lý và bảo vệ mốc đo đạc còn chưa được quan tâm đúng mức; nhận thức của một số người dân còn hạn chế, chưa hiểu được mốc đo đạc là tài sản quan trọng của quốc gia, của tỉnh. Nên có một số mốc đo đạc (đặc biệt là mốc đo đạc chuyên ngành như mốc địa chính) bị hư hỏng, mất chưa được báo cáo kịp thời để có biện pháp xử lý.
Thực hiện Dự án Đo đạc phần đất giữ lại và phần đất trả về địa phương đối với các công ty nông, lâm nghiệp, tình hình tranh chấp đất đai giữa người dân và các công ty lâm nghiệp diễn ra phức tạp. Nguyên nhân là do, những năm qua, các công ty lâm nghiệp quản lý đất đai không chặt chẽ, dẫn đến hiệu quả sử dụng đất thấp, để nhân dân lấn chiếm; các hợp đồng giao khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, tỷ lệ phần trăm (%) hưởng lợi giữa người dân với công ty lâm nghiệp giải quyết chưa dứt điểm…
Cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai, Sở TN&MT đo đạc chỉnh lý để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất |
Kinh phí Trung ương hỗ trợ cho địa phương để thực hiện đo đạc, cấp Giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trong những năm qua còn hạn chế so với khối lượng đã đạt được, dẫn đến nợ đọng kéo dài, chậm tiến độ dự án.
Đất đai các khu đô thị, thị trấn đã được đo vẽ lập bản đồ địa chính trước năm 2000 đến nay biến động lớn, công tác chỉnh lý biến động không kịp thời, dẫn đến việc quản lý Nhà nước về đất đai gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai các huyện còn thiếu, trình độ chuyên môn không đồng đều, cán bộ công chức địa chính cấp xã còn hạn chế về năng lực chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Người dân tại địa bàn các xã, huyện trong tỉnh chủ yếu là đồng bào dân tộc, do đó, trình độ nhận thức về công tác đo đạc bản đồ địa chính chưa cao, dẫn đến công tác đo đạc diễn ra chậm và hiệu quả của công tác đo đạc lập bản đồ còn có mặt hạn chế...
Công tác đào tạo kiến thức địa lý nói chung, đo đạc và bản đồ nói riêng ở các cấp đào tạo chưa được quan tâm, điều đó ảnh hưởng lớn tới nhận thức của các tầng lớp xã hội đối với lĩnh vực đo đạc và bản đồ, làm hạn chế việc sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ trong cuộc sống và công việc.
Theo ông Hải, thời gian tới, Sở sẽ tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động đo đạc và bản đồ trên địa bàn tỉnh để tham mưu sửa đổi, bổ sung, thay thế nhằm đảm bảo thực hiện đúng theo Luật Đo đạc và Bản đồ cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
Bên cạnh đó, tham mưu công tác cập nhật, bổ sung xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, thành lập bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:2.000 và tỷ lệ 1:5.000 trên địa bàn tỉnh. Thực hiện các nhiệm vụ trong công tác đo đạc lập bản đồ chuyên ngành như trong công tác đo đạc, thành lập bản đồ công trình ngầm;
Ngoài ra, Sở sẽ tham mưu thực hiện công tác kiểm tra, thẩm định Giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ. Tổ chức thi, cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ hạng II theo quy định được giao trong Luật. Đồng thời, cung cấp thông tin sản phẩm dữ liệu đo đạc và bản đồ theo quy định.