Hải Phòng: Nuôi cá gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt nhiều năm vẫn được “làm ngơ”?

Môi trường - Ngày đăng : 15:11, 22/07/2020

(TN&MT) - Một vùng của con sông cấp nước sinh hoạt cho người dân thành phố Hải Phòng đang bị ô nhiễm nặng do một số hộ nuôi cá trái phép với quy mô lớn, chân gà ken đặc, nổi lềnh phềnh nhưng đơn vị quản lý là Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ và chính quyền xã không xử lý dứt điểm…

Khúc sông Ba La là một nhánh của sông Đa Độ, con sông cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân thành phố Hải Phòng, thuộc quản lý của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ (Cty Đa Độ). Theo người dân, từ lâu khúc sông này được một số hộ quây lưới nuôi cá với quy mô lớn, hàng ngày cho cá ăn gây mùi ô nhiễm cả một vùng.

Tuy vậy, chỉ khi người dân người dân khu vực Trại Cá, xã Tân Viên, huyện An Lão, Hải Phòng bức xúc quay video lại cảnh chân gà đặc kín, nổi lềnh phềnh tại khúc sông này rồi tung lên mạng xã hội, Cty Đa Độ mới cho cán bộ xuống kiểm tra xử lý, khắc phục.

Trao đổi với phóng viên, mặc dù khẳng định Công ty chỉ quản lý công trình thuỷ lợi và an toàn nguồn nước, không có chức năng và không hề cho thầu nuôi cá, không có hồ sơ về việc chính quyền cho thầu nuôi cá khúc tại sông này… nhưng một vị lãnh đạo của Cty Đa Độ lại cho biết thông tin khúc sông này đang được hộ gia đình Thuận – Lợi nuôi cá quảng canh (nuôi tự nhiên) theo chương trình khuyến khích của Chính phủ từ năm 2005, sau này chương trình đã bị dừng. “Nuôi cá quảng canh là nuôi tự nhiên, các hộ dân cho cá ăn là sai quy định” vị này khẳng định.

Video chân gà ken đặc, hôi thối, gây ô nhiễm một khúc sông Đa Độ - Video do người dân cung cấp

Chân gà ken đặc, hôi thối, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh

Bà H.M.C, một nông dân tại xã Tân Viên cho hay, số chân gà này được đổ xuống làm thức ăn cho cá. “Họ nuôi cá quy mô lớn nên không thể nuôi tự nhiên mà phải cho cá ăn hàng ngày. Việc này đã diễn ra thường xuyên, khi thì nội tạng thối, khi thì chân gà thối… gây ô nhiễm môi trường nhiêm trọng” - người này bức xúc

Về phía chính quyền địa phương, ông Lương Đăng Trình - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Viên khẳng định, UBND Xã không cho thầu nuôi cá tại đây. Việc tự ý nuôi cá trái phép của các hộ dân, Xã đã kiến nghị cấp trên nhiều lần nhưng không được giải quyết.

Được biết, ngay sau khi video người dân phản ảnh được đăng tải lên mạng xã hội, một số cơ quan báo chí vào cuộc, Cty Đa Độ đã cử cán bộ xuống hiện trường yêu cầu các hộ chăn nuôi lập tức trục vớt chân gà, khắc phục tình trạng ô nhiễm trên … Tuy nhiên việc để cho người dân nuôi cá quy mô lớn trái phép gây ô nhiễm trong thời gian dài mà không hề bị xử lý, dư luận đặt ra câu hỏi: Cty Đa Độ có làm tròn trách nhiệm được UBND Thành phố giao?

Công ty Đa Độ mới đây được cho là thiếu trách nhiệm trong quản lý công trình (theo trách nhiệm được UBND thành phố Hải Phòng giao), để người dân tự ý xây chiếc cầu bê tông cốt thép lớn, trái phép bắc ngang mương Đò Vọ, đe doạ an toàn công trình thuỷ lợi (tại phường Phù Liễn, quận Kiến An), qua đó giúp người dân xây công trình trại gà “khủng” có quy mô hàng chục ngàn mét vuông không phép trên đất lúa (công trình này đang bị cơ quan chức năng xử lý, buộc tháo dỡ).

Cây cầu "vô chủ" - không ai nhận trách nhiệm, bắc qua mương Đò Vọ vào công trình trại gà khủng không phép trên đất lúa tại phường Phù Liễn, quận Kiến An

Thiết nghĩ các cơ quan chức năng của TP Hải Phòng cấn sớm vào cuộc, điều tra làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan. Bên cạnh đó, việc nuôi cá trái phép gây ô nhiễm cần có phương hướng xử lý dứt điểm tránh tái diễn tình trạng ô nhiễm trên để đảm bảo an toàn nguồn nước sinh hoạt cho người dân Hải Phòng.

Tuyến sông Đa Độ tại TP Hải Phòng có chiều dài gần 50km, chảy qua 5 quận, huyện khác nhau. Sông Đa Độ còn là nguồn cung cấp nước cho các nhà máy nước sạch của thành phố như: Nhà máy nước Cầu Nguyệt, Sông He (công suất 80.000m3/ngày đêm); nhà máy nước thô cho Khu công nghiệp Đình Vũ (công suất 20.000 m3/ngày đêm) và 35 nhà máy nước sạch nông thôn khác.
Ngoài ra nguồn nước sông Đa Độ cũng được cung cấp cho Nhà máy nước Hưng Đạo, quận Dương Kinh, có công suất lên đến 130.000 m3/ngày đêm.

Hoàng Nghĩa