Đẩy mạnh hợp tác phát triển KH&CN cho các sản phẩm nông sản vùng miền
Khoa học & Công nghệ - Ngày đăng : 17:37, 21/07/2020
Thúc đẩy bảo hộ SHTT đối với sản phẩm chủ lực địa phương
Một hình thức đặc biệt để bảo vệ các đặc sản địa phương là bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), tính đến hết ngày 12/7/2020, có 81 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, trong đó có 75 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và 6 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài được bảo hộ tại Việt Nam.
Việc bảo hộ SHTT đối với sản phẩm chủ lực ở địa phương là một trong những chủ trương lớn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cũng như các địa phương thúc đẩy trong thời gian qua. Sơn La là một trong những địa phương tiêu biểu cho hoạt động này. Những nông sản của Sơn La như chè Shan tuyết Mộc Châu, xoài tròn Yên Châu, cà phê Sơn La đều đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đó là sự khẳng định về danh tiếng và chất lượng của nông sản Sơn La với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Theo ông Mai Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn thuộc Cục Sở hữu trí tuệ, việc tăng cường các hoạt động bảo hộ SHTT là biện pháp tốt để tạo cơ sở pháp lý cho sản phẩm, tạo công cụ để quảng bá, quản lý và phát triển sản phẩm trí tuệ.
Tuy nhiên, đối với 1 sản phẩm nông nghiệp nói chung, để phát triển sản phẩm như vậy phải có nhiều giải pháp đồng bộ như; quy hoạch sản phẩm, chính sách đầu tư và hỗ trợ cho sản phẩm đó; cùng với hàng loạt các biện pháp khác như: phương pháp kiểm soát nguồn gốc chất lượng, thúc đẩy hóa hoạt động thương mại, quảng bá sản phẩm trong vùng nhiều hơn.
Ông Mai Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn |
Trao đổi với PV Báo TN&MT, ông Mai Văn Dũng cho rằng khi sản phẩm được bảo hộ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân cần có nhiều đầu tư hơn cho sản phẩm để tạo giá trị gia tăng. “Cục Sở hữu trí tuệ luôn đồng hành với các địa phương, trong đó có Sơn La. Tất cả những hồ sơ nộp về Cục, Cục đã nhanh chóng hỗ trợ. Ngoài ra, Cục đã đồng hành với địa phương ngay từ đầu trong quá trình xác thực lập hồ sơ và làm các thủ tục khác” – ông Dũng nhấn mạnh.
Hiện nay, hoạt động bảo hộ SHTT cho các sản phẩm chủ lực địa phương rất phát triển và được các địa phương đặc biệt quan tâm, trong đó có những sản phẩm chủ lực ở cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương. Không chỉ cục SHTT, hiện có rất nhiều cơ quan khác nhau cũng hỗ trợ hoạt động này.
“Tuy nhiên, việc bảo hộ và khai thác quyền SHTT chưa được như mong muốn của chính quyền, của chính doanh nghiệp và người dân. Làm sao để bảo hộ sản phẩm đó nâng cao hiệu quả, có tính khác biệt về mặt giá trị, khác biệt về mặt danh tiếng giữa lúc được bảo hộ, sau khi được bảo hộ và chưa được bảo hộ. Hoạt động KHCN nói chung và SHTT nói riêng để phát triển sản phẩm cần có “độ trễ”, cần triển khai đồng bộ các giải pháp” – ông Mai Văn Dũng nói thêm.
Đưa SHTT thành công cụ hữu hiệu nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương
Liên quan đến vấn đề phát triển tài sản trí tuệ tại địa phương, ông Mai Văn Dũng cho rằng, các địa phương cần tiếp tục tập trung vào hoạt động bảo hộ, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ gắn với đặc sản địa phương, đưa SHTT thành công cụ hữu hiệu nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển KT-XH, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo của địa phương.
Theo ông Mai Văn Dũng, các sản phẩm đặc thù gắn với địa danh là những tài sản có giá trị, những “thương hiệu” mang tính cộng đồng, có danh tiếng và uy tín chất lượng từ lâu truyền lại; mang đến giá trị tiềm năng to lớn không chỉ về mặt kinh tế mà còn ở cả mặt xã hội. Vì thế, việc đề ra các chính sách, biện pháp để thúc đẩy hoạt động bảo hộ SHTT cho các sản phẩm đặc sản địa phương, tạo động lực cho sự phát triển sản xuất, kinh doanh, giúp người dân, doanh nghiệp tham gia hiệu quả, chủ động vào thị trường; đồng thời giữ gìn và phát huy được danh tiếng và uy tín chất lượng “thương hiệu” của các đặc sản địa phương phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước là rất quan trọng.
Hiện nay, các chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ đang giúp cho các tổ chức, cá nhân, cơ quan quản lý Nhà nước xác lập quyền sở hữu công nghiệp, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh mang tính chuyên nghiệp có trọng điểm. Mặt khác, nhằm định hướng và xây dựng kế hoạch phát triển bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với các sản phẩm đặc sản mang tính đặc thù, tiềm năng của tỉnh.
Cà phê Sơn La là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh Sơn La |
Đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Sơn La đã đạt được trong những năm qua, đặc biệt là công tác xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông sản của tỉnh, ông Mai Văn Dũng mong rằng, từ kinh nghiệm của tỉnh Sơn La, để phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh, các Sở KH&CN cần có sự kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, kết nối giao thương, đẩy mạnh hợp tác phát triển KH&CN cũng như phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông sản vùng miền trong cả nước, đưa nông sản địa phương khẳng định vị thế trên thị trường, phục vụ công tác xuất khẩu.
“Các địa phương cũng cần tiếp tục tập trung vào hoạt động bảo hộ, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ gắn với đặc sản địa phương, đào tạo cán bộ làm công tác SHTT, đưa SHTT thành công cụ hữu hiệu nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo của địa phương” – ông Mai Văn Dũng nhấn mạnh.