Phụ nữ Cảnh sát biển với tấm lòng thiện nguyện nơi đảo xa

Biển đảo - Ngày đăng : 14:49, 21/07/2020

(TN&MT) - Đóng quân trên huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), xa đất liền hàng trăm km với muôn vàn khó khăn về điều kiện hoạt động, công tác, quân số chỉ chưa đầy 10 hội viên nhưng phát huy tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, Phụ nữ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 4 đã có nhiều hoạt động thiện nguyện đầy ý nghĩa hướng về cộng đồng.

Với 8 hội viên phụ nữ công tác ở nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau của Bộ Tư lệnh (BLT) Vùng Cảnh sát Biển 4 được tổ chức thành 1 Hội Phụ nữ cơ sở dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Phòng Tham mưu. Thời gian qua, cán bộ, hội viên đã luôn tích cực, đoàn kết, sáng tạo, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chuyên môn được giao, tổ chức có hiệu quả các hoạt động công tác hội. Đồng thời, các chị đã chủ động phối hợp với địa phương, các tổ chức đoàn trong đơn vị và tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo, chỉ huy, tự tạo nguồn vốn để tổ chức nhiều hoạt động từ thiện trên địa bàn đóng quân.

Thủ trưởng Phòng Chính trị và Hội Phụ nữ BTL Vùng CSB4 trao tặng gạo và khẩu trang y tế hỗ trợ các gia đình chính sách, hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn phòng, chống dịch Covid-19 tại xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc

Từ cuối năm 2019 đến nay, Hội Phụ nữ BTL Vùng Cảnh sát Biển 4 đã trao tặng 5 suất quà (mỗi suất 500.000 đồng) cho phụ nữ nghèo; trao tặng 200 kg gạo, 200 khẩu trang y tế cho 20 gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Dương Tơ để hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19… Trong đó, nổi bật là mô hình “Nồi cháo tình thương” dành tặng những bệnh nhân nghèo đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện đảo Phú Quốc. Hội đã tổ chức phát gần 1.000 suất cháo (mỗi suất khoảng 10.000 đồng), trao 7 suất quà (mỗi suất 300.000 đồng) cho bệnh nhân nghèo đang điều trị tại Trung tâm. Hàng tháng, Hội Phụ nữ BTL Vùng Cảnh sát Biển 4 phối hợp Hội Phụ nữ xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc tổ chức nấu cháo và mang đến tận nơi để trao cho người bệnh với khoảng 200 suất cháo mỗi đợt.

Cấp phát cháo cho bệnh nhân nghèo tại Trung tâm Y tế huyện Phú Quốc.

Để có những suất cháo nghĩa tình, đảm bảo dinh dưỡng tới tận tay người bệnh và thân nhân của họ, các chị phải thức dậy từ rất sớm để đi chợ lựa chọn thực phẩm tươi ngon, đảm bảo vệ sinh, cùng nhau chế biến. Chờ nấu cơm phục vụ bộ đội xong, các chị mới bắt tay vào nấu cháo, thường là từ trưa cho tới khoảng 14 giờ chiều mới xong để chuyển lên bệnh viện. Ngoài công việc chuyên môn, các chị còn phải chăm sóc gia đình nên ai cũng rất tất bật, tranh thủ từng chút thời gian cho hoạt động này.

Nguồn kinh phí hoạt động được các chị tích cóp từ mô hình “Ngôi nhà 1.000 đồng”  thông qua việc thu gom phế liệu, giấy vụn, vỏ lon nước trong đơn vị để bán ve chai; đồng thời, trích từ nguồn đóng góp tự nguyện của cán bộ, hội viên và sự hỗ trợ của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị.

Phụ nữ BTL Vùng Cảnh sát biển 4 thu gom phế liệu từ Mô hình “Ngôi nhà 1.000 đồng” để tạo nguồn kinh phí hoạt động

Tất bật, vất vả nhưng trên các chị luôn thường trực những nụ cười hạnh phúc. Cầm trên tay những thực phẩm tươi ngon từ chợ về để chuẩn bị cho nồi cháo sắp tới, Chị Phạm Thị Tú, Thượng úy CN, Y sĩ cơ quan Vùng phấn khởi chia sẻ: “Chị em chúng tôi cảm thấy hạnh phúc khi được tự tay chuẩn bị những suất cháo để mang niềm vui đến cho những số phận, hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ và càng vui hơn khi hoạt động của chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, cổ vũ động viên của Thủ trưởng các cấp cùng cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị cũng như sự ghi nhận của người dân và địa phương. Chúng tôi luôn tâm niệm phải làm việc xuất phát từ tấm lòng và trách nhiệm của mỗi cá nhân”.

Đem cả tâm huyết vào từng nồi cháo nghĩa tình

Chị Lữ Thị Thu, Chủ tịch Hội Phụ nữ BTL Vùng Cảnh sát Biển 4 cho biết: “Chứng kiến những cảnh đời bất hạnh, những gia đình khó khăn trên địa bàn, nhất là những bệnh nhân nghèo đang điều trị ở bệnh viện, chị em chúng tôi trăn trở muốn làm việc có ích để giúp đỡ họ phần nào. Mô hình “Nồi cháo tình thương” là kết quả của sự đoàn kết, đồng lòng chung tay và tâm huyết của cả tập thể Hội. Chúng tôi mong muốn tạo được nguồn kinh phí mang tính lâu dài, nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa để mở rộng mô hình cũng như các hoạt động thiện nguyện khác”.

Chiều muộn, chúng tôi có mặt tại Trung tâm Y tế huyện Phú Quốc để chứng kiến hoạt động phát cháo tình thương của Hội Phụ nữ BTL Vùng Cảnh sát Biển 4. Lúc này, các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang xếp hàng đến nhận cháo. Cầm trên tay suất cháo nóng hổi, thơm phức vừa được cấp phát, bà Lê Tuế Nguyệt, ở tổ 1, ấp Dương Tơ, xã Dương Tơ xúc động nói: “Gia đình tôi thuộc diện khó khăn, phải nuôi hai đứa cháu nội, hôm nay được các cô chiến sĩ Cảnh sát biển cấp phát cháo và còn hỗ trợ gạo, khẩu trang y tế, chúng tôi rất cảm kích và phấn khởi”.

 

Anh Nguyễn Khắc Thắng, trú tại Tổ 7, ấp Suối Lớn, xã Dương Tơ cho biết, anh quê từ Thanh Hóa, vào đây sinh sống, chẳng may bị tai nạn giao thông, không thể tiếp tục lao động, gia đình chỉ trông chờ vào vợ đi làm thuê, bản thân anh phải thường xuyên đến Trung tâm Y tế huyện để kiểm tra sức khỏe và điều trị, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn ra, gia đình anh bữa đói, bữa no. “Hôm nay, được Hội Phụ nữ Cảnh sát biển phát cháo và gạo, khẩu trang y tế để hỗ trợ phòng, chống dịch thực sự tôi cảm thấy rất xúc động, cảm ơn các chị rất nhiều”, anh Thắng xúc động.

Những hoạt động thiện nguyện, những bát cháo tình thương của Phụ nữ BTL Vùng Cảnh sát Biển 4 tuy còn rất khiêm tốn với cộng đồng, với những cảnh đời bất hạnh trên địa bàn đóng quân nhưng việc làm đó đã thể hiện hình ảnh cao đẹp của phụ nữ Việt Nam “trung hậu, đảm đang” nói chung và Phụ nữ Cảnh sát biển nói riêng. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua “Cảnh sát biển chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, góp phần lan tỏa tình yêu thương, sự chia sẻ trong cộng đồng.

Bài và ảnh: Thanh Nghị - Xuân Vũ