Đưa giá trị di sản địa chất vươn tầm thế giới: Bắt cơ hội từ vinh dự lớn

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 14:26, 21/07/2020

(TN&MT) - Được công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu là một vinh dự lớn, do vậy, các địa phương cần phát huy tốt danh hiệu để phát huy giá trị đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội.

Dấu ấn Cao nguyên đá Đồng Văn

Sau hơn 10 năm được UNESCO công nhận, Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) đã có nhiều khởi sắc.

Điểm nổi bật phải kể đến những nỗ lực trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa như: các lễ hội văn hóa truyền thống, tập quán canh tác trong sản xuất nông nghiệp của cộng đồng 17 dân tộc thiểu số anh em…

Hà Giang đã mở rộng phát triển các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh theo hướng hàng hóa trên Cao nguyên đá Đồng Văn như: Các loài cây dược liệu, mật ong Bạc hà (huyện Mèo Vạc), Hồng không hạt (huyện Quản Bạ), cải tạo và nâng cao chất lượng giống bò vàng địa phương theo hướng hàng hóa… gắn với phát triển du lịch bền vững.

Non nước Cao Bằng

Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu, khai thác các nguồn nước ngầm và triển khai xây dựng các hồ chứa nước phục vụ cho sinh hoạt của người dân cũng được xúc tiến triển khai. Ngoài ra, vùng Cao nguyên đá Đồng Văn cũng đẩy mạnh công tác trồng các loại cây cảnh quan, mở rộng diện tích trồng cây Hoa Tam giác mạch để phục vụ cho các mùa Lễ hội.

UBND tỉnh Hà Giang đã đề xuất với Trung ương cấp các nguồn vốn để duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp, trang bị các hệ thống biển báo, cảnh báo giao thông…trên nhiều tuyến đường của 4 huyện Cao nguyên đá. Hà Giang phấn đấu đến cuối năm 2020, có trên 78% tuyến Quốc lộ 4C là con đường huyết mạch nối 4 huyện Cao nguyên đá với TP. Hà Giang có chiều rộng đạt từ 5 - 5,5 m. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch hơn nữa và nâng cao chất lượng đời sống cũng như thu nhập của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây .

Cao Bằng khơi dậy những giá trị tiềm năng

Cách đây hơn 2 năm, Công viên Địa chất Non Nước Cao Bằng chính thức được công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO, giờ phút ấy, cả miền non nước Cao Bằng đã vỡ òa trong niềm hạnh phúc quá lớn.

Cao Bằng xác định cơ hội lớn chỉ trở nên có ý nghĩa lớn khi biết nắm bắt lấy nó. Ngay lập tức, ngành Du lịch nơi đây đã khảo sát, rà soát, bổ sung, thay thế, lắp mới cho các biển bảng thuyết minh, quảng bá, biển thông tin, biển đối tác, biển chỉ dẫn các điểm di sản trên 3 tuyến du lịch trong vùng Công viên Địa chất theo tư vấn từ chuyên gia UNESCO.

Đồng thời, phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu xây dựng phát triển các sản phẩm có gắn lô-gô Công viên Địa chất như: Giảo cổ lam, chè Kolia, hương thơm (làng hương Phia Thắp, huyện Quảng Uyên), miến dong (huyện Nguyên Bình), sản phẩm dệt thổ cẩm (xóm Lũng Nọi, huyện Hà Quảng) thổ cẩm in hoa văn sáp ong của đồng bào Dao Tiền…

Ngày 12/4/2018, Hội đồng Chấp hành UNESCO đã thông qua Nghị quyết công nhận Công viên Địa chất Non Nước Cao Bằng là Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO. Trước đó, mới chỉ có Cao nguyên đá Đồng Văn được nhận danh hiệu này.

Cùng với đó, tỉnh đã cho nâng cấp, hoàn thành các dự án phát triển hạ tầng vùng Công viên Địa chất Toàn cầu như: Xây kè bảo vệ điểm di sản địa chất cúc đá hóa thạch (Lũng Luông, Kéo Yên, Hà Quảng); hoàn thành tuyến đường đi bộ vào điểm di sản khu vực núi Mắt Thần (Nặm Chá, Quốc Toản,Trà Lĩnh); sắp xếp lại các ki-ốt bán hàng ở khu vực ngã ba lán Khuổi Nặm thuộc Khu di tích lịch sử Pác Bó. Tỉnh đầu tư hạ tầng cơ sở du lịch khu Phia Oắc - Phia Đén, huyện Nguyên Bình; cải tạo, sửa chữa đường Tỉnh lộ 202 (đoạn từ QL34 vào Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo, huyện Nguyên Bình)...

Không thể phủ nhận sức hút của Công viên Địa chất UNESCO Non Nước Cao Bằng đã là yếu tố nổi bật góp phần làm nên con số ấn tượng với trên 1,549 triệu lượt du khách tới Cao Bằng, tăng gần 26% so với năm 2018. Trong đó, khách quốc tế hơn 185 nghìn lượt, tăng 63% so với cùng kỳ. Doanh thu từ du lịch đạt hơn 480 tỷ đồng, tăng hơn 32% so với cùng kỳ.

Địa Hải