Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc: Nhiều khuất tất dần được hé lộ

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 14:24, 21/07/2020

(TN&MT) - Báo Tài nguyên và Môi trường đã thông tin việc Bồi thường chưa thỏa đáng, cưỡng chế và di chuyển vật nuôi, tài sản của người dân ra khỏi khu vực dự án, trong khi người dân chưa đồng ý về quyết định phương án hỗ trợ bồi thường. Trong quá trình tìm hiểu, phóng viên còn phát hiện thêm nhiều điểm bất hợp lý tại các quyết định và phương án, thông báo thu hồi đất.

Nhiều nội dung khó hiểu

Tại Thông báo số 238/TB-UBND ngày 5/12/2016  của UBND huyện Vĩnh Tường trong phần Phụ lục có ghi: Hộ ông Hạ Văn Cấp, thôn 3, diện tích giao 1.968 m2, diện tích dự kiến thu hồi 1.623,5 m2, loại đất đang sử dụng LUC (đất lúa). Tuy vậy, từ năm 2013, mô hình nuôi chim cút của ông Cấp đã được UBND huyện Vĩnh Tường cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chí kinh tế trang trại. Theo quy định, đây là đất trang trại hay nói chính xác đây thuộc loạt đất nông nghiệp khác (NKH) chứ không phải là đất lúa như UBND huyện Vĩnh Tường đã đưa ra.

Toàn bộ tài sản và số chim cút của gia đình ông Cấp đã được chính quyền di chuyển ra khỏi nhà thể thao - văn hóa xã Vĩnh Sơn

Liên quan tới việc UBND huyện Vĩnh Tường cưỡng chế thu hồi đất với hộ ông Hạ Văn Cấp, ngày 26/5/2020, Ban thực hiện cưỡng chế thu hồi đất huyện Vĩnh Tường đã phối hợp với các lực lượng chức năng và UBND xã Vĩnh Sơn tổ chức cưỡng chế để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng công trình xây dựng mới chùa Già Du và phần mở rộng chùa Già Du. Các thiết bị, tài sản trên đất được chính quyền dỡ mang hết về khu vực nhà đa năng của UBND xã Vĩnh Sơn cất giữ. Đặc biệt, 180.000 chim cút đang trong độ sinh sản của gia đình đã bị chính quyền di dời thẳng vào nhà đa năng (Văn hóa - Thể dục thể thao) của xã Vĩnh Sơn để nuôi nhốt. Vậy là Nhà văn hóa phục vụ cộng đồng rất khang trang của xã Vĩnh Sơn được UBND huyện Vĩnh Tường trưng dụng làm nhà nuôi nhốt chim cút hơn một tháng qua. Mùi hôi bốc lên nồng nặc, cả hội trường nhà đa năng như một khu trang trại, bên ngoài khung nhôm, sắt thép để ngổn ngang, nhem nhuốc…

Để giải phóng tài sản và vật nuôi đã cưỡng chế của người dân, UBND huyện Vĩnh Tường đã thuê Công ty Đấu giá Hợp danh Vĩnh Yên tiến hành các thủ tục đấu giá tài sản cưỡng chế trên. Điều đặc biệt, số lượng chim cút ban đầu theo chủ hộ cho biết là 180.000 con, trong Thông báo số 18/TB-ĐGTS ngày 12/6/2020 chỉ còn ghi 29.110 con chim cút?! Trứng chim cút 1.724 quả! Và nhiều hạng mục khác với tổng số tiền đấu giá khởi điểm 284.569.500 đồng. Kết quả ai trúng đấu giá, hồ sơ cá nhân, đơn vị tham gia đấu giá đến nay người dân vẫn chưa hề hay biết.

Ông Hạ Văn Nam, con trai ông Cấp cho biết: Họ không công khai cho gia đình, đến nay, chúng tôi cũng chưa nhận được bất cứ thông báo nào liên quan tới tài sản của gia đình, tiền đó sẽ đi đâu, gửi ở đâu và đứng tên tổ chức hay cá nhân nào chúng tôi cũng không biết. Gia đình chỉ biết toàn bộ tài sản, vật nuôi của gia đình hiện tại không còn nằm ở nhà thể thao - văn hóa xã Vĩnh Sơn nữa.

Dân cứ ký lĩnh tiền nhưng xã giữ hộ

Đến nay, sau nhiều năm đi kiện, UBND huyện Vĩnh Tường đã ra các Quyết định điều chỉnh bổ sung: Số 963,1455 và 956 với số tiền 241.898.760 đồng, tuy vậy, trừ 34.809.194 đồng gia đình ông Cấp nhận thừa (do chính quyền nhầm - PV), số tiền ông Cấp còn được nhận 207.089.566 đồng.

 

Tại buổi làm việc ngày 31/12/2019, ông Nam đề nghị, chính quyền thanh toán toàn bộ số tiền trên. Tuy vậy, ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn cho biết: Xã chi trả số tiền nêu trên cho gia đình ký nhận vào phiếu và làm biên bản thống nhất giữa UBND xã với gia đình, nếu gia đình đồng ý, sau khi gia đình ký nhận số tiền trên, UBND xã cử người tạm giữ khi nào gia đình di chuyển tài sản, vật kiến trúc xong trước ngày 6/1/2020. Trong thời gian tạm giữ từ ngày 31/12/2019 đến ngày 6/1/2020, xã tính lãi theo ngân hàng. Câu hỏi đặt ra, xã Vĩnh Sơn giữ số tiền của hộ ông Cấp là có mục đích gì, trong khi người dân cần tiền để thuê người di chuyển tài sản?

Ông Nam bức xúc: Tôi kiến nghị chính quyền thanh toán tiền để gia đình thuê nhân công di chuyển tài sản nhưng xã Vĩnh Sơn đưa ra phương án thật khó hiểu, đã thế xã còn đưa thêm lý do xin ý kiến chỉ đạo của Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện. Từ đó đến nay, họ không nhắc lại số tiền trả chậm cho gia đình nữa, rồi mai kia tiền đấu giá tài sản của gia đình họ sẽ dùng vào việc gì chúng tôi cũng không được biết. Vậy là người dân muốn lấy tiền, chính quyền thì muốn “om tiền” của dân chuyện thật mà như đùa.

Huyện bận chuẩn bị Đại hội

Công trình xây dựng mới và phần mở rộng chùa Già Du là công trình tâm linh được người dân rất quan tâm, ủng hộ, tuy vậy, chính quyền nơi đây lại “bỏ quên” xin giấy phép xây dựng theo quy định. Theo Khoản 1, Khoản 2, Điều 58, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định: Việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Căn cứ theo quy định tại Điều 89, Luật Xây dựng năm 2014 về trường hợp cấp giấy phép xây dựng quy định: Trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của Luật này… Tức là công trình xây dựng mới và phần mở rộng chùa Già Du phải xin giấy phép xây dựng theo quy định.

Ngày 16/7/2020, có mặt tại chùa Già Du, chúng tôi vẫn thấy công nhân đang thi công, công trình nhà chính đã chuẩn bị đổ mái, nhiều hạng múc khác vẫn đang thi công như không hề có chuyện gì xảy ra. Vậy vai trò quản lý của chính quyền ở đâu khi sai phạm vẫn đang nhởn nhơ?!

Công trình xây dựng chùa Già Du và phần mở rộng chưa có giấy phép xây dựng nhưng công trình vẫn thi công và “qua mặt” chính quyền địa phương

Đấy là chưa nói diện tích thuộc dự án xây mới và phần mở rộng chùa Già Du liệu đã được chính quyền ra Quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất chưa, có nằm trong quy hoạch sử dụng đất không? Phóng viên đã đặt lịch làm việc với Sở Xây dựng và Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc liên quan đến các nội dung quản lý trên.

Do đặt lịch làm việc với UBND huyện Vĩnh Tường đã hơn nửa tháng trôi qua nhưng không thấy huyện sắp xếp làm việc, phóng viên đã gọi điện cho ông Vũ Đức Kim, Chánh Văn phòng huyện Vĩnh Tường, ông Kim cho hay: “Huyện bận cho chuẩn bị Đại hội Đảng bộ huyện nên chưa thể bố trí lịch làm việc được, chúng tôi đã nắm được chỉ đạo và sẽ thông tin lại lịch sau.”

Đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Xây dựng, Sở TN&MT vào cuộc xác minh và xử lý nghiêm liên quan tới việc quản lý công trình xây dựng chùa Già Du và công tác hỗ trợ đền bù để tránh thiệt thòi cho người dân .

Bài và ảnh: Lê Xuân - Quán Dũng